Gia đình ông Trần Văn Miên, ngụ Ấp Bình Trung (xã Định Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) khấm khá nhờ mô hình nuôi dê Saanen (giống dê chuyên cho sữa có nguồn gốc từ Thụy Sĩ). Đây là mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao có thể nhân rộng giúp nhiều bà con ở vùng nông thôn chuyển đổi để phát triển kinh tế.
Trước đây, hai vợ chồng ông Miên nuôi tôm và nuôi bò thịt. Tuy nhiên, con tôm nuôi ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường, giá cả thị trường bấp bênh nên gia đình ông Miên quyết định tìm hướng phát triển kinh tế mới. Sau quá trình tìm hiểu, tham khảo các mô hình kinh tế ở nhiều địa phương, ông Miên nhận thấy mô hình chăn nuôi dê sữa mang lại hiệu quả cao, đầu ra ổn định. Năm 2015, từ nguồn vốn tích lũy nuôi tôm và bán 4 con bò, ông Miên mạnh dạn đầu tư xây dựng 50 m2 chuồng trại rồi mua 6 con dê giống Saanen về nuôi.
Ông Trần Văn Miên bên mô hình chăn nuôi dê sữa. Ảnh: CTV
Ban đầu khi biết ông Miên có dự định chuyển đổi sang nuôi dê, gia đình phản đối do chưa có kiến thức về chăn nuôi, đầu ra sản phẩm sữa dê chưa ổn định. Tuy nhiên, ông Miên chịu khó tìm hiểu thêm kiến thức từ sách báo và đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng dịch bệnh, sau đó vận dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. “Để chăn nuôi có lãi từ dê sữa thì trước tiên phải chú trọng nguồn thức ăn. Thức ăn của dê sữa rất đa dạng và có sẵn trong nông nghiệp, nhưng chủ yếu là cỏ, xác bia và thêm thức ăn chuyên cho dê sữa. Gia đình tôi đầu tư 1 mẫu đất trồng lúa không có hiệu quả chuyển sang trồng cỏ để quyết định nhân đàn dê sữa. Nhờ vậy, giảm chi phí thức ăn công nghiệp, nâng cao năng suất chăn nuôi”, ông Miên chia sẻ.
Sau hơn 7 năm, gia đình ông Miên đã phát triển đàn dê lên 80 con chuyên lấy sữa, 2 con đực giống và 30 con cái tơ hậu bị. Mỗi ngày, gia đình ông thu từ 25 – 30 lít sữa, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ việc bán sữa đạt khoảng 19 triệu đồng/tháng. Năm 2021, do dịch Covid-19 nên lượng sữa không vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ được nên ông phải mua dê con và dê tơ về cho uống nguồn sữa này. Đến cuối năm 2021, ông Miên liên hệ với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi (tỉnh Tiền Giang) để trao đổi và đi khảo sát thực tế trang trại. Sau đó, HTX thống nhất kết nạp ông làm xã viên để bao tiêu sản phẩm sữa dê cho đến ngày nay. Ông Miên cho biết thêm: “Dê sữa là loại gia súc dễ chăm sóc, tuy nhiên, cần phải tạo một môi trường sống lý tưởng, thoải mái để có thể sản xuất ra lượng sữa tối đa và đạt chất lượng cao nhất. Hướng tới, tôi sẽ đầu tư thêm máy vắt sữa, vừa giảm công lao động, vừa hút được nhiều sữa, tránh tắc sữa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Do vùng đất trong vùng nuôi thủy sản, 6 tháng nước mặn và 6 tháng nước ngọt, ngoài công việc chính là nuôi dê sữa, gia đình ông Trần Văn Miên còn duy trì 1 ao nuôi tôm, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhờ mô hình chăn nuôi dê sữa kết hợp với nuôi tôm nước lợ, gia đình ông Miên thu lãi hơn 328 triệu đồng/năm. Hướng tới, ông Trần Văn Miên dự định tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển đàn dê sữa và hệ thống trang thiết bị, máy móc phục vụ chăn nuôi, giảm thời gian, nhân công, tăng lợi nhuận của mô hình kinh tế.
Sau khi mô hình thành công, ông Miên không phát triển kinh tế một mình mà đã chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để người dân học hỏi, làm theo. Đây là mô hình rất triển vọng, có thể nhân rộng để phát triển kinh tế tại địa phương theo hướng bền vững.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Trung Bùi Thái Giang, hướng tới, hội sẽ phát triển, nhân rộng mô hình, đồng thời tác động tới HTX Nông nghiệp Đông Nghi để hợp đồng thu mua lượng sữa dê cho bà con an tâm đầu ra.
Nguyễn Hải
Nguồn: Báo Đồng Khởi