Thay đổi thói quen ăn thịt

(Người Chăn Nuôi) – Khủng hoảng khí hậu đang thúc đẩy con người phải thay đổi thói quen ăn thịt. Những sản phẩm lành mạnh, thân thiện với môi trường vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu.

“Bá chủ” thịt gia cầm

Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra khắp thế giới vào giữa năm 2022 chủ yếu do nhiệt độ cao kỷ lục, cùng với khủng hoảng năng lượng sau xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine là những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu thụ thịt. Theo khảo sát xu hướng tiêu dùng thịt tại Anh đăng trên Tạp chí Y khoa Lancet, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người trên toàn cầu và tổng khối lượng thịt tiêu thụ hàng ngày đang tăng do dân số và thu nhập tăng. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ thịt ở mỗi khu vực khác nhau trên thế giới chênh lệch nhau. Một số quốc gia thu nhập cao như Anh, mức tiêu thụ thịt bình quân tương đối cao nhưng đang bắt đầu giảm dần, trong khi tiêu thụ thịt ở các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc và các quốc gia Đông Á đang tăng. Sự khác biệt về mức tiêu thụ thịt cũng xảy ra ngay trong một quốc gia và phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, thu nhập của người dân.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng nông nghiệp, OECD – FAO đã thống kê và dự báo mức tiêu thụ thịt giai đoạn 2019 – 2021 và 2022 – 2031. Theo đó, mức tiêu thụ thịt heo và gia cầm dự kiến tăng mạnh trên toàn cầu, trong khi tiêu thụ thịt bò giảm. Năm 2022, lượng tiêu thụ thịt gà ước đạt 137,5 triệu tấn, tăng gấp đôi so năm 1999. Con số này cũng cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của thịt heo và gấp 10 lần thịt bò. Lượng tiêu thụ thịt gà trên toàn cầu sẽ chiếm tỷ lệ 41% tổng lượng thịt cho tới năm 2030.

tiêu thụ thịt

Theo OECD – FAO, Bắc Mỹ dẫn đầu thế giới về mức tiêu thụ thịt bình quân, tiếp theo là châu Đại dương và châu Âu. Tuy nhiên, ở những khu vực này, mức tiêu thụ thịt bình quân tại các nước có thu nhập cao đang chững lại hoặc giảm do dân số già và xu hướng đa dạng protein trong bữa ăn hàng ngày. Trái lại, tại các quốc gia có thu nhập thấp hơn, mức tiêu thụ thịt tổng thể đang tăng dần và tỷ lệ thuận với tăng trưởng dân số cũng như thu nhập.

FAO dự báo sản lượng thịt gia cầm, heo, bò và cừu lần lượt tăng 16%, 17%, 8% và 16% vào năm 2031. Cùng đó là xu hướng chuyển đổi sang tiêu dùng thịt gia cầm tại các nước có thu nhập cao do người dân ngày càng ưa chuộng thịt trắng dễ chế biến và lành mạnh hơn. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng thịt gia cầm tại các nước thu nhập thấp và trung bình không tăng mạnh so các loại thịt khác.

 

“Làn sóng mới” thịt chay

Mức tiêu thụ thịt bình quân của Trung Quốc đã tăng 12,8% giai đoạn 2008 – 2017 và hiện chiếm hơn ¼ tổng lượng thịt tiêu thụ của thế giới. Nhưng tại Pháp, tiêu thụ thịt bình quân đã giảm 8,77% cùng xu hướng “flexitarian” – ăn nhiều rau, ngũ cốc và giảm thịt.

thịt

Doanh số bán hàng của các hãng sản xuất thịt chay đang tăng nhanh khắp thế giới, vượt xa tốc độ tăng doanh số của thịt động vật. Tuy nhiên, thịt chay chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu ngành hàng thịt. Ví dụ, tại Mỹ, thịt có nguồn gốc thực vật chỉ chiếm 1,4 tổng doanh số mặt hàng thịt vào năm 2021, theo Good Food Institute.

Sản xuất các loại thịt chay có thể giảm bớt nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường hay phúc lợi động vật mà ngành chăn nuôi đang phải đối mặt. Lượng khí thải carbon của thịt chay thấp hơn so thịt bò, thịt heo và có thể so sánh với thịt gà và các loại gia cầm khác. Một số chuyên gia dự báo, các loại thịt nhân tạo, sữa thực vật và protein thay thế khác sẽ chiếm tỷ trọng 25% cơ cấu ngành hàng thịt toàn cầu vào năm 2035.

Tuy nhiên, một số loại thịt nhân tạo trên thị trường hiện nay như Beyond Sausage và Impossible Burger vẫn không thể mang hương vị, hình dáng và cảm giác tương tự những thịt nguyên miếng như sườn hoặc thăn heo. Do đó, Chính phủ Canada, Singapore và Israel đang đầu tư nghiên cứu sản xuất thịt nhân tạo nguyên miếng trong tương lai.

>> Thịt sẽ không biến mất khỏi thực đơn, nhưng ý thức về môi trường đang bắt đầu chi phối thói quen tiêu dùng thịt của người dân tại các nước giàu có. Tuy nhiên, lạm phát giá thực phẩm lan rộng đang thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm của người dân tại đây, điển hình là sự chuyển đổi sang các loại thực phẩm giá rẻ, trong đó có thịt gà.

Tuấn Minh

(Theo Global Meat News)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *