Với những chính sách ưu đãi nhà đầu tư về thủ tục, đất đai, tín dụng… thúc đẩy phát triển nhanh mô hình trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, nhiều thách thức từ ngành chăn nuôi cũng đã nảy sinh.
Kỳ 1: Chăn nuôi lợn phát triển nhanh
Năm 2020, toàn tỉnh có 02 doanh nghiệp và 30 Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi. Quy mô chăn nuôi nhỏ, thiếu an toàn, cùng với dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 phát triển chậm. Giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu tạo sự đột phá trong hoạt động sản xuất chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm theo chuỗi giá trị, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức chăn nuôi trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa. Yêu cầu đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên doanh.
Giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu trên là khai thác tiềm năng, nhu cầu các hộ chăn nuôi, gia đình có đất đai, điều kiện đầu tư để tập trung phát triển chăn nuôi trang trại lợn theo hướng an toàn sinh học, gắn tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Đồng thời, tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ để đảm bảo ổn định tổng đàn và sản lượng thịt hơi.
Chăn nuôi lợn đen bản địa tại HTX Trần Phú (Na Rì).
Tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thủ tục, đất đai, tín dụng,… đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Do vậy, chỉ trong 2 năm (2021 – 2022), trên địa bàn tỉnh có 16 dự án chăn nuôi lợn của 15 doanh nghiệp, hợp tác xã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.721 tỷ đồng, tương ứng với quy mô sản xuất khoảng 20.450 con lợn nái, 249.000 con lợn thịt/năm.
Trong tổng số 16 dự án chăn nuôi lợn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có 05 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động với quy mô khoảng hơn 3.000 lợn nái và 29.000 lợn thịt/năm và 11 dự án đang thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng các hạng mục công trình.
Cụ thể, 05 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động gồm có: Dự án đầu tư trang trại nuôi lợn thương phẩm, lợn nái ngoại thuần tại tổ 1A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn của Công ty TNHH Nam Huế; Dự án trại lợn giống và lợn thịt siêu nạc tại thôn Nà Ngài, xã Nông Thịnh (nay là Thanh Thịnh), huyện Chợ Mới; Dự án trại lợn thịt siêu nạc tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn; Dự án trại lợn nái và lợn thịt siêu nạc (Giai đoạn 1) tại thôn Pác Nghiên, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn của Công ty TNHH đầu tư sản xuất nông nghiệp; Dự án Trang trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt tại thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông của Hợp tác xã Hà Anh.
Các dự án trang trại chăn nuôi lợn sau khi đi vào hoạt động đều phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương và doanh thu cho các doanh nghiệp; tăng tổng đàn và sản lượng số con xuất bán, giết mổ của tỉnh; tổng đàn lợn thuộc các trang trại chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm khoảng 19% tổng đàn lợn toàn tỉnh.
Việc đầu tư các trang trại chăn nuôi lợn theo hướng tập trung góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, là cơ sở để phát triển các ngành dịch vụ phục vụ chăn nuôi như sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến các sản phẩm chăn nuôi… hướng tới xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín mang lại giá trị kinh tế cao.
Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến hết sức phức tạp thì việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín, đảm bảo các quy định về an toàn sinh học là hướng đi hiệu quả cần phổ biến, nhân rộng. Với tốc độ thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như hiện nay, mục tiêu của Kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Bắc Kạn sẽ sớm được hoàn thành./.
(Còn nữa)
Phan Quý
Nguồn: Báo Bắc Kạn