(Người Chăn Nuôi) – Với những thành tích lạc quan trong năm 2022, ngành chăn nuôi nước ta đang tiếp tục vươn mình hướng tới một nền chăn nuôi hàng hóa chất lượng cao, xuất khẩu ngày càng tăng để xứng đáng với vị trí, tiềm năng và kỳ vọng.
Vượt khó, phát triển không ngừng
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Riêng ngành chăn nuôi, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất ước tính tăng 5,93%. Tổng đàn heo khoảng 26,22 triệu con (chưa bao gồm heo con theo mẹ), tăng 11,4%; Đàn gia cầm gần 552 triệu con, tăng 4,8%; Đàn bò khoảng 6,65 triệu con, tăng 3,1%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7,05 triệu tấn. Sản lượng sữa tươi 1,277 triệu tấn, tăng 10,2%. Sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả, tăng 4,4%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp quy đổi khoảng 20 triệu tấn, giảm 8,6%.
Ngoài việc các ngành và địa phương đẩy mạnh chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thì việc khống chế tốt dịch bệnh đã giúp người chăn nuôi phấn khởi tin tưởng đầu tư. Như vậy, trong gần 30 năm qua, ngành chăn nuôi vẫn giữ mức tăng trưởng bình quân 5 – 6%/năm. Hiện nay, quy mô đàn heo đứng thứ 6 thế giới, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới. Công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN), năng suất bò sữa và công nghiệp chế biến sữa đứng đầu các nước ASEAN…
Mức tăng trưởng trong năm 2022 rất ấn tượng khi cả nước mới trải qua đại dịch COVID-19 và nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng vì chiến tranh, lạm phát.
Tích cực liên kết
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu giá trị sản xuất tăng 4,5 – 5% so năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,27 triệu tấn, tăng 4,1% (trong đó, sản lượng thịt heo hơi tăng 4%; Sản lượng thịt gia cầm tăng 4,8%. Sản lượng trứng các loại tăng khoảng 3,8%. Sản lượng sữa tăng khoảng 8%. Sản lượng mật ong tăng khoảng 7,1%. Sản lượng tổ yến tăng khoảng 5,6%. Sản lượng TĂCN công nghiệp quy đổi đạt trên 21 triệu tấn, tăng 5% so năm 2022.
Nhiều giải pháp sẽ được triển khai để nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi và thương hiệu của ngành như: Đổi mới công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra; Xây dựng mã định danh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Áp dụng công nghệ cao trong chế biến.
Trong gần 30 năm qua, ngành chăn nuôi vẫn giữ mức tăng trưởng bình quân 5 – 6%/năm. Ảnh: Shutterstock
Một trong những vấn đề trọng tâm đó là xây dựng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, lấy hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.
Thống kê chuỗi sản xuất – tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ cho thấy, sản phẩm tiêu thụ không liên kết (thịt gia cầm 86%, trứng gia cầm 74%); Sản phẩm có liên kết (thịt gia cầm 12%, trứng gia cầm 22%), chuỗi thịt không liên kết giá rẻ hơn 10% và lợi nhuận thấp hơn 10,9% so chuỗi thịt liên kết.
Bộ NN&PTNT và các địa phương đang nỗ lực phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất tiêu thụ ngành hàng lớn, sản phẩm chăn nuôi chủ lực là thịt heo, thịt gia cầm, trứng, sữa. Trong đó khoảng 30% thịt heo hiện được tiêu thụ dưới hình thức liên kết.
Phát huy nội lực
Theo thống kê, tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của nước ta trong năm 2022 đạt 5,52 tỷ USD, tăng 11,9% so năm 2021. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng TĂCN trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa có dấu hiệu giảm. Đầu tháng 11/2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất cung ứng TĂCN tiếp tục thông báo tăng giá bán 120 – 400 đồng/kg tùy loại với lý do giá nguyên liệu tăng và tỷ giá USD tăng trên thị trường thế giới. Giảm giá thành chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước tại thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu vẫn là bài toán của năm 2023.
Việc liên kết giữa trồng trọt và chăn nuôi đã và đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Theo Dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi đã có các điều khoản hỗ trợ trồng trọt nguyên liệu như các tổ hợp tác, hợp tác xã khi tham gia vào sản xuất các vùng nguyên liệu sản xuất TĂCN được hỗ trợ tối đa 50% về tổng chi phí cho cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu đó, hỗ trợ 50% chi phí thu gom đất nông nghiệp, quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu TĂCN.
Đầu tư cho khoa học kỹ thuật
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn với trên 25% trong cơ cấu của ngành nông nghiệp và định hướng của ngành là chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, đa giá trị.
Theo số liệu thống kê, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của nước ta năm 2022 ước đạt 400 triệu USD. Ngành chăn nuôi Việt Nam đang từng bước phát triển vững chắc theo hướng hiện đại và vươn xa trên thị trường thế giới.
Và để ngành chăn nuôi vươn xa, thì việc đầu tư cho khoa học kỹ thuật là vấn đề không cần phải bàn cãi. Mới đây, TS. Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ, Viện Chăn nuôi cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2022, chỉ riêng Viện Chăn nuôi đã chuyển giao vào sản xuất hơn 30.000 heo giống bố mẹ (chuyển giao trực tiếp) và khoảng 100.000 heo bố mẹ (thông qua chuyển giao heo giống ông bà). Các giống gà nội và gà lai lông màu do Viện Chăn nuôi chọn lọc, lai tạo ước tính 30 – 35% thị phần. Ước tính khoảng 29 – 30% giá trị gia tăng sản lượng thịt, trứng gia cầm cả nước thời gian qua là do kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đem lại.
Tuy nhiên, nhu cầu về con giống vẫn rất lớn, khi cả nước hiện có hơn 2 triệu hộ nuôi heo, gần 2,2 triệu hộ nuôi trâu, bò, gần 7 triệu hộ nuôi gia cầm. Việc hiện đại hóa ngành giống để bảo tồn nguồn giống quý, đồng thời tạo các giống mới có tiềm năng xuất khẩu đang là điều được các địa phương và doanh nghiệp ngành chăn nuôi quan tâm.
Thêm vào đó, để thúc đẩy sản xuất và ổn định “đầu ra” cho sản phẩm trong bối cảnh chi phí “đầu vào” tăng cao, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp có chung nhận định, ngành chăn nuôi cần tăng cường năng lực chế biến, bảo quản sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ðặc biệt, các hộ chăn nuôi cần liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, chế biến quy mô lớn, qua đó hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Tăng trưởng của ngành chăn nuôi có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đồng thời góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu. Đến nay ngành chăn nuôi đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu như: Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc; Thịt gà sang Nhật Bản… Giải pháp thị trường chính là động lực để tháo gỡ khó khăn và duy trì tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Yếu tố quan trọng là phải xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn các hàng rào kỹ thuật và mở rộng được thị phần xuất khẩu ở các nước. Cùng với đó, cần quan tâm tới thị trường trong nước với 100 triệu dân về chế biến và chế biến sâu ở các phân khúc…, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Nguyễn Anh