Việt Nam là nước nông nghiệp có tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 lên tới 53,22 tỷ USD (trong đó xuất siêu trên 8,5 tỷ USD) nhưng cũng phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu, vật tư nông nghiệp và nông sản.
Liên tục phá kỷ lục nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tính đến hết tháng 11-2022 lên tới 5,16 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021… Thời điểm hiện tại, cơ quan hải quan chưa thống kê được lượng nhập khẩu tháng 12-2022, song các chuyên gia ước tính, tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2022 có thể đạt 5,6 tỷ USD (tức vượt cả mức kỷ lục của năm 2021 với 4,93 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), con số trên chỉ tính tổng lượng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến cho gia súc lớn. Nếu tính chung cả nguyên liệu làm thức ăn gia cầm, thức ăn thủy sản và các nông sản nhập khẩu (một phần cũng để làm thức ăn chăn nuôi) như ngô (bắp), đậu tương, khô dầu đậu tương, tổng kim ngạch nhập khẩu trung bình mỗi năm tới gần 10 tỷ USD.
Lý giải con số kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong 5 năm trở lại đây liên tục tăng mà không giảm, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết, đó là do tốc độ tăng trưởng và quy mô của ngành chăn nuôi ngày càng lớn, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ, diện tích ngô, lúa không tăng thêm.
Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức cho nông dân tham quan một mô hình trồng ngô chuyển gen để tăng năng suất tại tỉnh Thái Nguyên
Bên cạnh đó, hiện nay có những loại chúng ta vẫn chưa thể sản xuất được, phụ thuộc hoàn toàn nhập khẩu như khô dầu đậu tương, khô dầu cọ, bột cá, bột thịt xương, bột thịt cá và các nguyên liệu bổ sung như vitamin, khoáng vi lượng, phụ gia, chất bổ trợ… Trong năm 2022, Việt Nam đã nhập khoảng 27 loại nguyên liệu, gồm cả những loại chúng ta tự chủ động được một phần (như ngô, cám ngô, cám gạo).
Ước tính, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nhưng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 30 – 35% nên 65 – 70% còn lại phải trông chờ nhập khẩu. Về tình trạng này, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Hiện cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nhưng trong đó chỉ có 90 doanh nghiệp FDI. Đây là những doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực, dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất lớn. Còn lại, doanh nghiệp nội nhiều nhưng công nghệ còn lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, tỷ lệ hao hụt còn cao, chất lượng thiếu ổn định, giá thành cao…
Tăng cường vùng nguyên liệu mạnh
Theo các chuyên gia, mặc dù các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chiếm giữ 60%-70% thị phần thức ăn chăn nuôi, nhưng rất tiếc nhiều năm qua, họ chỉ tập trung vào khâu sản xuất và thương mại mà không quan tâm nhiều tới xây dựng vùng nguyên liệu, dẫn đến thiếu hụt, phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.
Do đó, để xây dựng một nền nông nghiệp ít rủi ro về chi phí liên tục tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, chúng ta cần sớm phát triển các vùng nguyên liệu thay thế tại các địa phương có lợi thế. Theo đề án của Bộ NN-PTNT, sẽ chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng ngô, sắn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Tại hội nghị tổng kết chăn nuôi mới đây, ông Thắng cho biết: “Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi cùng các đơn vị sẽ phối hợp các tập đoàn triển khai mô hình liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tại một số tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên”. Ngày 5-1 vừa qua, Bộ NN-PTNT tiếp tục tổ chức hội thảo về các giải pháp xây dựng vùng trồng nguyên liệu tại Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Tây Nguyên là vùng rất thuận lợi để phát triển ngô, sắn làm thức ăn xanh sinh khối. Thời gian qua, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã khảo sát vùng nguyên liệu tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, cho thấy, ngô và sắn nếu được phát triển thành vùng nguyên liệu ở khu vực này sẽ giúp giảm áp lực từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tập đoàn Mavin cũng cho biết, đang nghiên cứu, triển khai mô hình tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Nghệ An… sản xuất khép kín từ trồng nguyên liệu tới giết mổ và chế biến sản phẩm. Đây cũng là giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dễ rủi ro khi đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo Tổ chức CropLife Việt Nam, trong cơ cấu thức ăn chăn nuôi, ngô và đậu tương chiếm tỷ trọng lớn nhất. Để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, Việt Nam nên phát triển sản phẩm ngô và đậu tương công nghệ sinh học để đảm bảo năng suất cao hơn so với các giống cũ. Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định cho biết, cả nước hiện có khoảng 942.00 ha ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng có xu hướng giảm dần vì khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các nước có năng suất cao gấp 2 – 4 lần như Mỹ, Brazil, Israel… Thực tế, nguồn nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam để làm thức ăn chăn nuôi hiện nay chủ yếu là từ cây trồng chuyển gen (ngô, đậu tương, các loại khô dầu ngô, bông, đậu tương, cải dầu…).
Trong khi hiện nay, Việt Nam đã có đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mà ngô chuyển gen là một giải pháp. Việt Nam đã có chính sách về cây trồng công nghệ sinh học và chính thức cấp phép cho ngô chuyển gen được trồng thương mại từ năm 2015 đến nay. Tính đến năm 2021, tổng diện tích ngô công nghệ sinh học ở Việt Nam là khoảng 180.000 ha (hơn 20% tổng diện tích ngô cả nước). Dù vậy, trong 5 năm trở lại đây, việc cấp phép cho các giống ngô chuyển gen mới của Việt Nam chậm trễ và không nhất quán, gây ảnh hưởng đến việc đưa công nghệ hạt giống mới ra thị trường.
Văn Phúc
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng