Đồng Nai đã quy hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, số cơ sở giết mổ được đầu tư chưa đủ về số lượng so với lộ trình đề ra nhưng nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở giết mổ được cấp phép lại đang hoạt động cầm chừng, rơi vào cảnh thua lỗ.
Trong đó, có nguyên nhân nguồn heo cung cấp đi thị trường TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận chủ yếu là heo sống, tỷ lệ heo giết mổ cung cấp đi còn thấp; gia cầm chủ yếu xuất con đem giết mổ ở các tỉnh, thành lân cận.
* Nhiều lò giết mổ hoạt động cầm chừng
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, ngành thú y đang quản lý 45 cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có 40 cơ sở thuộc mạng lưới giết mổ tập trung và 5 cơ sở giết mổ tạm thời với công suất giết mổ bình quân 1 ngày từ 1,9 – 2,1 ngàn con heo, 37 – 40 ngàn con gà, 50 – 60 con trâu, bò.
Theo mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 58 cơ sở giết mổ. Nhưng kết quả đến thời điểm hiện tại, chỉ mới xây dựng được 44 cơ sở; trong đó, chỉ có 40 cơ sở đang hoạt động, 4 cơ sở đã ngưng hoạt động.
Đoàn kiểm tra liên ngành của H.Thống Nhất kiểm tra hoạt động giết mổ trên địa bàn huyện. Ảnh: B.Nguyên
Theo lộ trình đề ra, giai đoạn 2021 – 2022, toàn tỉnh đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động thêm 8 cơ sở thuộc mạng lưới giết mổ, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng xong 1 cơ sở trên địa bàn TP.Biên Hòa. Toàn tỉnh còn 5 cơ sở giết mổ tạm thời chờ di dời vào các cơ sở giết mổ tập trung thuộc mạng lưới.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện trung bình mỗi ngày Đồng Nai cung cấp từ 4-5 ngàn con heo sống cho thị trường TP.HCM. Về nguồn gia cầm chủ yếu xuất bán nguyên con đem giết mổ ở các tỉnh, thành lân cận.
|
Về hoạt động giết mổ động vật, có một nghịch lý tuy thiếu về số lượng cơ sở giết mổ được đầu tư theo quy hoạch nhưng đa số các cơ sở giết mổ được cấp phép hoạt động không hết công suất, thậm chí cầm chừng vì không cạnh tranh được với giết mổ lậu.
Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh) Nguyễn Quang Thọ cho biết, thời điểm hoạt động tốt, trung bình mỗi ngày DN giết mổ khoảng 250 con heo cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện DN giết mổ chỉ vài chục con heo/ngày đêm, thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ chậm và khó cạnh tranh với nạn giết mổ lậu đang có chiều hướng gia tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
Theo ông Thọ: “DN đang hoạt động cầm chừng ở mức không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ vì chi phí đầu vào quá cao do công suất giết mổ giảm nhưng công ty vẫn phải gánh chi phí vận hành dây chuyền giết mổ đến công lao động chỉ tăng không giảm”.
* Chủ yếu cung cấp heo, gà sống đi ngoại tỉnh
Đồng Nai chú trọng thu hút các nhà đầu tư xây dựng mạng lưới các cơ sở giết mổ tập trung đạt chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng nội tỉnh mà hướng tới thị trường lớn TP.HCM và nhiều tỉnh lân cận. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giết mổ trong mạng lưới giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong thu hút khách hàng.
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình (TP.Biên Hòa) Nguyễn Viết Dũng cho biết, từ đầu tháng 7-2022, DN đã đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ với công suất 2 ngàn con heo và 3 ngàn con gà/ngày đêm. Dù là một trong số ít DN đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua đất và xây dựng nhà máy giết mổ tập trung quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu giết mổ gia súc, gia cầm của thành phố, nhưng khi đi vào hoạt động, cơ sở giết mổ tập trung này vẫn chưa thu hút được khách hàng đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ gia công.
Theo ông Dũng: “Nguyên nhân chính là do tình trạng giết mổ lậu vẫn khá phổ biến. Lò giết mổ lậu vẫn thu hút khách do chi phí rẻ, kiểm dịch và vệ sinh an toàn lỏng lẻo chứ không khắt khe như lò mổ công nghiệp”.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến nhiều cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng còn vì sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai cung cấp vào thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận chủ yếu heo, gà sống.
Chỉ ra bất cập này, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công so sánh, Đồng Nai hiện có gần 27 triệu con gia cầm nhưng nguồn gia cầm chủ yếu phải chở ngược về tỉnh Long An giết mổ rồi cung cấp đi các nơi. Chi phí khâu trung gian bị đẩy lên khiến người tiêu dùng phải sử dụng giá cao, người chăn nuôi bán giá thấp.
Ông Công mong muốn: “Tỉnh cần quan tâm quy hoạch, kêu gọi DN xây dựng khu giết mổ tập trung gia cầm quy mô lớn với các chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và có những hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, cần khắc phục những điểm còn bất cập trong công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH: Các cơ sở giết mổ tập trung tham gia truy xuất nguồn gốc
Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã triển khai dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.160 cá nhân, tổ chức đã đăng ký tham gia dự án và được cấp tài khoản gồm: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo… Đặc biệt, hầu hết các cơ sở giết mổ heo được cấp phép trên địa bàn tỉnh đều đã đăng ký tham gia dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn. Trước đó, nhiều cơ sở giết mổ đã tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo cung cấp vào thị trường TP.HCM là điều kiện thuận lợi để triển khai dự án mới này.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: Sẽ tăng cường xử lý hoạt động giết mổ lậu
Năm 2022, toàn tỉnh đã kiểm tra và xử lý 126 trường hợp giết mổ không phép trên địa bàn, tổng số tiền xử phạt các cơ sở vi phạm là 743 triệu đồng và tiêu hủy, xử lý nhiệt gần 15 tấn sản phẩm động vật. Các vụ vi phạm tập trung ở TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom. Cụ thể, TP.Biên Hòa có 58 trường hợp vi phạm bị xử lý với mức phạt 222 triệu đồng và tiêu hủy trên 4,2 tấn thịt heo.
Tình trạng giết mổ lậu trên địa bàn tỉnh còn rất nhức nhối, vì lợi nhuận nhiều người sẵn sàng giết mổ heo không rõ nguồn gốc, heo bệnh, heo chết. Thời gian tới, ngành thú y và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phối hợp về quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ không phép, đảm bảo cung ứng sản phẩm an toàn trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Giám đốc khối vận hành của MM Mega Market Việt Nam NGUYỄN ĐỨC TOÀN: Phát triển chuỗi cung ứng thịt heo an toàn cho miền Trung và miền Nam
MM Mega Market Việt Nam và Công ty TNHH Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa) vừa khánh thành trạm trung chuyển thịt heo tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Việc chọn xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, một trong những vùng chăn nuôi trọng điểm, lớn nhất cả nước với mục tiêu nâng cao năng lực và quy mô sản xuất để cung ứng thịt heo sạch cho thị trường lớn TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, và Nam Trung bộ. Trạm trung chuyển được vận hành với sự kiểm soát nghiêm ngặt, theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Điểm nổi bật là xây dựng được chuỗi liên kết giữa DN thương mại, giết mổ và HTX, nông hộ chăn nuôi vào chuỗi sản xuất và cung ứng thịt heo đạt chuẩn VietGAP.
Lê Quyên (ghi)
Bình Nguyên
Nguồn: Báo Đồng Nai