Gia cầm sẽ chiếm non nửa thị trường thịt toàn cầu vào năm 2031

Gia cầm sẽ tiếp tục là loại thịt tăng trưởng nhanh nhất trong vòng một thập kỷ tới, và dự kiến đến năm 2031 gia cầm sẽ chiếm 47% thị trường thịt thế giới.

Đây là dự báo vừa được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp do hai tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) phối hợp thực hiện.

Theo đó, sự chuyển hướng dài hạn sang chăn nuôi gia cầm sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, một phần do xu hướng tiêu dùng ưa chuộng thịt trắng ở các quốc gia có thu nhập cao. Điều này là do thịt gia cầm được cho là dễ chế biến thành nhiều thực đơn khác nhau trong các bữa ăn, tốt cho sức khỏe và được coi là lựa chọn tốt nhất.

Ở các quốc gia mà đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, thịt gia cầm cũng được coi là một loại thịt thay thế rẻ hơn so với các loại thịt khác. Do đó, báo cáo của OECD và FAO dự đoán rằng, lượng protein sẵn có từ gia cầm sẽ tăng trưởng 16% vào năm 2031 và sau đó sẽ chiếm lĩnh 47% lượng protein tiêu thụ từ các nguồn thịt, xếp tiếp sau đó mới là thịt lợn, thịt cừu và thịt bò.

thịt gia cầm

Nguồn cung thịt toàn cầu sẽ mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt 377 triệu tấn vào năm 2031. Ảnh: Koos Groenewold

Trong vài năm qua, lương tiêu thụ thịt gia cầm đã tăng lên ở hầu hết các quốc gia và khu vực do người tiêu dùng bị hấp dẫn bởi giá thấp hơn, tính sẵn có và khả năng thích ứng của sản phẩm, cũng như hàm lượng protein cao hơn trong khi chất béo thấp hơn.

Theo tính toán của các chuyên gia thị trường protein, lượng tiêu thụ thịt gia cầm ​​sẽ tăng trên quy mô toàn cầu lên 154 triệu tấn trong giai đoạn dự kiến, phản ánh vai trò quan trọng của thịt gia cầm trong chế độ ăn uống quốc gia của một số quốc gia đông dân đang phát triển, như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Pakistan, Peru, Philippines và Việt Nam.

Trong ngắn hạn, sự chuyển dịch trong tiêu thụ thịt từ dịch vụ thực phẩm sang nấu ăn tại nhà xảy ra trong đại dịch Covid-19 ​​sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, và dự kiến người tiêu dùng sẽ quay trở lại các mô hình chi tiêu, mua sắm trước đây khi các hạn chế dịch bệnh được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, ở các quốc gia có thu nhập cao, nơi mức tiêu thụ bình quân đầu người vốn đã cao, nhu cầu dự kiến ​​sẽ chững lại hoặc có xu hướng giảm do dân số già và mối quan tâm lớn hơn về chế độ ăn uống nhằm tìm kiếm sự đa dạng hơn trong các nguồn protein. Còn tại những quốc gia có thu nhập thấp hơn, cả về quy mô tăng trưởng dân số và thu nhập sẽ thúc đẩy tiêu dùng chung, cho dù từ mức cơ sở bình quân đầu người thấp hơn khá nhiều.

Dự báo, nguồn cung thịt toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt 377 triệu tấn vào năm 2031, nhưng tốc độ này sẽ chậm hơn so với thập kỷ trước. Việc mở rộng quy mô chăn nuôi toàn cầu có nghĩa là Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chiếm phần lớn sản lượng thịt gia tăng, tiếp theo là Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Ngược lại, hoạt động sản xuất thịt ở Liên minh châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm trong giai đoạn này do chi phí sản xuất trong khối và chi phí môi trường tăng, trong khi cơ hội xuất khẩu giảm.

Sự gia tăng sản xuất thịt toàn cầu này sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi sự tăng trưởng trong lĩnh vực gia cầm, với số lượng gia cầm tăng lên 31 tỷ đầu con. Do đó, lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của ngành thịt được dự đoán sẽ tăng 9% vào năm 2031 – ít hơn mức tăng 15% trong sản xuất thịt do tỷ trọng gia cầm ngày càng tăng và năng suất tăng dẫn đến sản lượng thịt trên mỗi con vật cao hơn và do đó tỷ lệ phát thải khí nhà kính trên một đơn vị sản lượng thịt thấp hơn.

Ngoài ra, một ngoại lệ quan trọng khác sẽ là châu Phi, nơi lượng khí thải sẽ tăng 24%, phần lớn song song với việc tăng sản lượng.

Kim Long (Poutryworld)

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *