Ngành chăn nuôi gặp khó khi chi phí đầu vào tăng cao

Những ngày cuối năm 2022, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thịt hơi thành phẩm đầu ra vẫn biến động thất thường khiến các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chỉ thận trọng trong việc tái đàn.

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của nước ta trong tháng 11 vừa qua đạt 509 triệu USD, tăng 26,6% so với tháng 10. Luỹ kế từ đầu năm, cả nước nhập khẩu lượng thức ăn gia súc tương đương trị giá hơn 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với 11 tháng đầu năm 2021.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong quý I năm sau sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng mùa vụ tại các quốc gia cung ứng hàng đầu như Brazil và Argentina.

bảng giá nông sản ngày 21/12

Bảng giá nông sản kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12.

Còn trong những ngày cuối năm nay, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thịt hơi thành phẩm đầu ra vẫn biến động thất thường khiến các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chỉ thận trọng trong việc tái đàn. Điều này sẽ khiến ngành chăn nuôi nước ta trước dịp Tết Nguyên Đán nhiều khả năng vẫn sẽ tương đối trầm lặng.

Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá thịt lợn hơi toàn quốc không có nhiều thay đổi so với ngày hôm qua, tiếp tục dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg, vùng giá thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

bảng giá dầu

Giá dầu WTI tăng 2,7% lên mức 78,29 USD/thùng, và dầu Brent cũng tăng 2,76% lên mức 82,2 USD/thùng trong ngày 21/12.

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng sau báo cáo của EIA

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần qua, được hỗ trợ mức tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm theo các báo cáo tuần trên thị trường, và niềm tin về tiêu dùng đang dần phục hồi.

Giá dầu WTI tăng 2,7% lên mức 78,29 USD/thùng, và dầu Brent cũng tăng 2,76% lên mức 82,2 USD/thùng.

Báo cáo sớm của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy mức tồn kho dầu thô Mỹ giảm 3,07 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/12 đã hỗ trợ một phần cho giá dầu trong phiên sáng.

Thêm vào đó, yếu tố tiêu thụ tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ ổn định hơn giai đoạn trước, khi mà các công ty kêu gọi công nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ có thể tiếp tục công việc tại các nhà máy. Điều này thể hiện quan điểm trái ngược với giai đoạn kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ trước đó, và đem lại hy vọng sự "bình thường hoá" và mở cửa tại Trung Quốc sẽ cải thiện tình hình tiêu thụ dầu thô.  

 Giá ngô đóng cửa ở mức cao nhất từ đầu tháng 12

Toàn bộ các mặt hàng nông sản đồng loạt đón nhận lực mua tích cực. Giá ngô đã khởi sắc mạnh mẽ trở lại trong phiên hôm qua, chủ yếu nhờ nhận được hỗ trợ từ đà tăng của giá lúa mì. Bên cạnh đó, triển vọng xuất khẩu của Mỹ cùng lo ngại liên quan tới tình hình mùa vụ tại Argentina cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá. Giá ngô đóng cửa phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng này.

Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của cả nhóm với mức tăng lên tới 2,3%. Giá đã nhanh chóng khởi sắc sau khi mở cửa phiên, trong bối cảnh thị trường đón nhận tin tức không mấy tích cực về tình trạng lúa mì vụ đông của Mỹ. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị trì hoãn cũng đã hỗ trợ đà tăng của giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *