(Người Chăn Nuôi) – Dịch bệnh AI chuyển từ châu Á sang Mỹ Latinh và châu Âu; cùng cuộc khủng hoảng trứng gia cầm tại Mỹ bên cạnh những đột phá về công nghệ đã tạo nên bức tranh toàn cảnh sinh động của ngành gia cầm thế giới 2023.
-
Châu Âu và Mỹ Latinh trở thành tâm chấn đại dịch AI
Tháng 1/2023, nhiều ổ dịch cúm gia cầm (AI) bùng phát tại Pháp, kéo theo tình trạng thiếu hụt nguồn cung gà giống toàn thế giới. Theo AFP, Pháp đã nâng mức độ nguy cơ cúm gia cầm lên mức “cao” và buộc các trang trại phải nhốt gia cầm để ngăn chặn virus. Đức hôm 1/12 cũng báo cáo 11.500 con gà tây đã phải tiêu hủy sau khi phát hiện đợt bùng phát dịch cúm gia cầm độc lực cao tại một trang trại ở Brandenburg. Tại Chile, vào tháng 3/2023, ổ dịch AI đầu tiên bùng phát tại một nhà máy sản xuất thịt ở thành phố Rancagua, khiến chính phủ phải đình chỉ xuất khẩu thịt gà trong thời gian 28 ngày; đồng thời tiêu hủy 40.000 con gia cầm. Argentina đã đình chỉ xuất khẩu gia cầm vào cuối tháng 2 sau khi ghi nhận trường hợp cúm gia cầm đầu tiên tại tỉnh Rio Negro ở miền Nam. Ngày 10/5, Brazil, nước xuất khẩu thịt gà hàng đầu thế giới, lần đầu tiên xác nhận những trường hợp cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) ở các loài chim hoang dã.
-
Khủng hoảng trứng gia cầm
Đầu năm 2023, giá 10 quả trứng tại Mỹ đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022, đắt hơn giá thịt gà hoặc gà tây. Giá cao kỷ lục đã khiến trứng trở thành mặt hàng mới được buôn lậu qua biên giới Mexico. Các chuỗi siêu thị như Carrefour và PX Mart phải hạn chế số lượng trứng mà khách hàng có thể mua để tránh tình trạng tích trữ hoặc hoảng loạn trong tâm lí người tiêu dùng. Tại Nhật Bản, giá trứng tăng kỷ lục khi dịch cúm gia cầm lây lan nhanh. Hungary cũng đưa trứng vào danh mục thực phẩm thiết yếu để áp giá trần, khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Đầu tháng 3/2023, Hiệp hội Thương mại trứng thành phố Đài Bắc, Đài Loan đã ra thông báo tăng giá bán buôn trứng thêm 3 Đài tệ/cân Đài (tức 600 gram) đưa giá trứng tăng từ 52 Đài tệ (1,7 USD) lên mức 55 Đài tệ/cân Đài. Tại Anh, tình trạng thiếu hụt trứng tiếp tục kéo dài từ năm 2022 và càng nghiêm trọng hơn vào năm 2023 buộc nhiều siêu thị phải lên kế hoạch nhập khẩu.
-
Phát hiện hóa chất vĩnh cửu trong lòng đỏ trứng gà
Viện Thực phẩm quốc gia Đan Mạch phát hiện lòng đỏ trứng gà hữu cơ chứa các hợp chất đơn hoặc đa polyfluoroalkyl (PFAS) gây ô nhiễm môi trường. Có nhiều khả năng chất này được truyền qua bột cá có trong thức ăn của gà mái hữu cơ. Phát hiện nay dấy lên mối lo ngại rằng trẻ em ăn nhiều trứng hữu cơ có thể gặp nguy hiểm. Ngành thức ăn chăn nuôi ở Đan Mạch đã thống nhất thay thế bột cá trong thức ăn hữu cơ cho gà đẻ trứng. Các cơ quan chức năng tại Đan Mạch tuyên bố thực hiện chương trình giám sát quốc gia để kiểm soát PFAS và báo cáo cho EU. Nhiều chuyên gia cho hay, bột cá nhiễm PFAS do đại dương bị ô nhiễm và lắng đọng các chất PFAS rồi truyền sang cơ thể cá. Đầu năm 2023, Cục An toàn thực phẩm châu Âu đề ra ngưỡng hấp thụ an toàn của 4 loại PFAS ở mức 4,4 nanogram trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi tuần. Với trẻ em ăn 5,6 quả trứng mỗi tuần, lượng PFAS hấp thụ vào cơ thể an toàn là 10 nanogram.
-
Italy, quốc gia đầu tiên cấm thịt nhân tạo
Năm 2023, Chính phủ Italia chính thức thông qua dự luật cấm sử dụng thực phẩm và thức chăn nuôi được sản xuất trong phòng thí nghiệm do không đảm bảo chất lượng, phúc lợi và văn hóa truyền thống. Bộ Nông nghiệp Italia cam kết bảo vệ ngành sản xuất thực phẩm trước những đổi mới công nghệ được coi là có hại. Theo đó, các loại thịt nhân tạo được nuôi cấy từ tế bào hoặc mô của động vật có xương sống sẽ không được phép lưu thông trên thị trường Italia. Các trường hợp vi phạm có thể bị phạt tới 60.000 EUR. Chính quyền Italia cũng phản đối việc quảng bá côn trùng như một thực phẩm thay thế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngành nông nghiệp của nước Italia đang bị bỏ lại phía sau khi phần còn lại của châu Âu và thế giới đang tiến tới hệ thống sản xuất thực phẩm bền vững và an toàn hơn. Viện Thực phẩm châu Âu đánh giá, luật của Italia sẽ là một bước lùi đối với khoa học công nghệ và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
-
Gà kháng cúm gia cầm đầu tiên trên thế giới
Các nhà khoa học tại Anh đã tạo ra những con gà kháng cúm gia cầm đầu tiên trên thế giới sau khi biến đổi gene ANP32 để tạo ra protein mà virus cúm sử dụng để tự sao chép. Cụ thể hơn, Anh đã sử dụng công cụ biến đổi gen CRISPR để tạo ra các thay đổi nhỏ ở gene ANP32A. Khi gà biến đổi gene được tiêm 1.000 đơn vị virus lây nhiễm, tương đương liều lượng tiếp xúc thực tế, chỉ có 1/10 con gà bị nhiễm bệnh và giải phóng lượng virus rất thấp trong vài ngày. Các nhà khoa học kỳ vọng nghiên cứu này sẽ mở đường cho các trại nuôi gia cầm biến đổi gen ở Anh. Theo họ, tiêm vaccine rất tốn kém và có hiệu quả hạn chế do khả năng tiến hóa nhanh của virus cúm. Các biện pháp an ninh sinh học chặt chẽ hơn như nuôi nhốt gà trong nhà ảnh hưởng tới phúc lợi động vật. Ngược lại, biến đổi gene cung cấp giải pháp hứa hẹn nhằm kháng bệnh vĩnh viễn, có thể truyền sang thế hệ sau, bảo vệ gia cầm, giảm nguy cơ đối với con người và chim hoang dã.
-
Ra mắt công nghệ MRI xác định giới tính trứng gà
Tháng 5/2023, Công ty Gia cầm Hendrix Genetics và hãng công nghệ AI Orbem đã ra mắt công nghệ xác định giới tính gà từ trong trứng không xâm lấn. Theo đó, hệ thống Genus Focus do Orbem phát minh đã được đưa vào sử dụng rộng rãi tại cơ sở chăn nuôi gà mái của Hendrix Genetics ở Mur-de-Bretagne, Pháp. Đây được coi là bước đột phá trong cuộc chiến ngăn chặn việc tiêu hủy gà trống mới nở. Giải pháp này kết hợp công nghệ phân loại và hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) của Orbem với thiết bị tự động hóa của Tập đoàn Vencomatic trụ sở Hà Lan để xác định giới tính gà từ trong trứng mà không xâm lấn vào phôi vào ngày ấp thứ 12. Hiện, hệ thống Genus Focus đang hỗ trợ Hendrix Genetics phân tích 250.000 quả trứng mỗi ngày. Đây là hệ thống MRI tự động đầu tiên trên thế giới được sử dụng theo quy mô lớn dựa trên AI.
-
Indonesia xuất khẩu gà sống sang Singapore
Sau một hơn một năm chuẩn bị, ngày 13/5/2023, Indonesia xuất khẩu lô gà sống đầu tiên sang Singapore, với 23.040 con có tổng trọng lượng 41,46 tấn. Trước đó, Indonesia chỉ được phép xuất khẩu thịt gà đông lạnh và thịt gà chế biến sang Singapore. Gà sống từ Indonesia được chứng nhận không bị nhiễm virus cúm gia cầm, do đó được phép vận chuyển trực tiếp đến Singapore. Năm 2022, Singapore ước tính nhập khẩu 228.000 tấn gà sống, thịt gà chế biến và các sản phẩm từ gà. Trong đó, các nhà cung cấp thịt gà lớn nhất cho Singapore bao gồm Brazil (chiếm 51%), Malaysia (24%) và Mỹ (11%). Việc mở cửa thị trường gà sống tại Singapore được kỳ vọng sẽ tạo cân bằng giữa cung và cầu, cũng như cải thiện phúc lợi của người chăn nuôi Indonesia.
-
Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine
Ngày 17/7/2023, Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine sau khi những điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận này không được thực thi. Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, cũng là những quốc gia chủ chốt trên thị trường lúa mỳ, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Hành động này của Nga đã làm chao đảo thị trường thức ăn chăn nuôi do giá lúa mỳ, ngô, đậu tương đồng loạt tăng sau khi Nga rút khỏi thoả thuận. Giá lúa mì đạt mức 689,25 cent Mỹ/giạ, mức cao nhất kể từ ngày 28/6. Giá ngô tăng lên mức 526,5 cent/giạ; giá đậu tương tăng tới 1.388,75 cent/giạ. Nhiều chuyên gia lo ngại, trong tương lai, việc kết thúc thỏa thuận ngũ cốc sẽ làm tăng thêm áp lực tăng giá lương thực khác, bên cạnh các vấn đề như hạn hán ở châu Âu và sự trở lại của hiện tượng El Nino.
Tuấn Minh (Tổng hợp)