3 thách thức của ngành bò sữa trong tương lai

(Người Chăn Nuôi) – Giảm khí metan, phúc lợi động vật và ứng dụng dữ liệu, công nghệ là những thách thức lớn nhất cần giải quyết để bảo vệ ngành sữa phát triển bền vững trong tương lai.

Các chuyên gia tại sự kiện chuyên ngành bò sữa của Beluga Animal Health diễn ra vào tháng 8/2024 tại Ghent, Bỉ đã bàn về những thách thức lớn trong chăn nuôi bò sữa hiện nay và mai sau. Dưới đây là 3 thách thức lớn nhất cần ưu tiên giải quyết.

Giảm khí metan

Giảm khí metan là một thách thức lớn mà ngành sữa phải đối mặt, nếu không sẽ ảnh hưởng đến giấy phép hoạt động trong những thập kỷ tới. Rinse Jan Boersma, người sáng lập Beluga Animal Health giải thích rằng, người chăn nuôi ngày càng nhận thức rõ những tác động của khí metan thông qua khoa học công nghệ mới. Boersma đề cập đến Nguy cơ nóng lên toàn cầu (GWP), và đưa ra mô hình mới (GWP*) cung cấp mối liên hệ tốt hơn về lượng khí thải metan trong đường ruột và hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời giúp chúng ta thay đổi câu chuyện của ngành bò sữa từ tác nhân gây hiện tượng nóng lên toàn cầu trở thành tác nhân tạo hiệu ứng “làm mát”. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được khi ngành sữa nỗ lực giảm lượng khí thải. 

ngành bò sữa tương lai

Ngành sữa đang nỗ lực giảm lượng khí thải metan

Trong suốt sự kiện, hàng loạt giải pháp giảm thiểu khí metan được thảo luận mà nông dân có thể áp dụng, ví dụ: tăng năng suất vật nuôi thông qua tăng sản lượng sữa và giảm tuổi sinh lứa bê đầu tiên xuống 22 tháng; quản lý chất thải và can thiệp dinh dưỡng bằng phụ gia. Kelly Nichols, Đại học California-Davis nhấn mạnh, phụ gia rong biển đỏ 3-NOP có khả năng cắt giảm khí metan nhưng cần nghiên cứu sâu hơn về những tác động lâu dài tới sức khỏe vật nuôi, trao đổi chất… Do đó, nghiên cứu khoa học và thực địa có tầm quan trọng then chốt trong những năm tới. 

Cải thiện phúc lợi động vật 

Marina Keyserling, từ Đại học British Columbia, Canada nhận định, phúc lợi động vật ngày càng quan trọng, và trở thành một thách thức phức tạp trong tương lai, đòi hỏi những thay đổi mang tính đột phá của ngành chăn nuôi bò sữa. Chuyên gia này cũng đề cập đến chủ đề “chăn nuôi chung bò và bê” cùng những quan ngại về ảnh hưởng lên sức khỏe, năng suất, hành vi của vật nuôi chung trong thời gian dài. Để ngành sữa bền vững vào năm 2050, bà khuyến khích tất cả các bên liên quan tích hợp cả 3 khía cạnh của tính bền vững trước khi đưa ra quyết định chăn nuôi, gồm khả thi về mặt kinh tế, thân thiện môi trường và được xã hội chấp nhận. 

Sử dụng công nghệ 

Công nghệ vừa là thách thức, vừa là cơ hội của ngành chăn nuôi, không riêng ngành bò sữa. Hiện nay thế giới có rất nhiều dữ liệu về ngành sữa, nhưng rào cản vẫn là cách khai thác tối đa luồng dữ liệu này. Chuyên gia Ilka Klaas, từ DeLaval, Thụy Điển cho rằng chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa sức khỏe và phúc lợi bò sữa bằng công nghệ cảm biến và số hóa. Tới năm 2050, công nghệ, tính bền vững và phúc lợi động vật sẽ được tích hợp vào sản xuất sữa để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Cùng đó, mọi hoạt động quản lý, vận hành sản xuất sẽ chuyên nghiệp và bền vững hơn nhờ công cụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, nông dân nuôi bò sữa tại châu Âu đã bắt đầu tích hợp dữ liệu để phát hiện những con bò có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác được toàn bộ tiềm năng của chăn nuôi chính xác. 

Một số thách thức hiện tại vẫn chưa được giải quyết, cộng thêm nhiều thách thức mới sắp xảy ra, nhưng các chuyên gia tin rằng, ngành bò sữa đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới 2050. Cơ sở để củng cố niềm tin này là sự phát triển của công nghệ, nổi bật nhất là trí tuệ nhân tạo và các lựa chọn thay thế thuốc kháng sinh. Nhờ đó, ngành bò sữa trong tương lai sẽ giảm thiểu áp lực lao động cũng như cải thiện sức khỏe động vật và phúc lợi. 

Dũng Nguyên

(Theo Allaboutfeed)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *