Việt Nam sẽ phát triển chăn nuôi dựa trên 4 trục chính

Đại diện Cục chăn nuôi, TS Võ Trọng Thành cho biết 4 trục chính trong việc phát triển chăn nuôi là phương thức sản xuất, năng suất chất lượng, an toàn thực phẩm, thị trường. Đồng thời, ông cũng chỉ ra nhiều thách thức mà ngành chăn nuôi phải đối mặt hiện nay.

4 trục chính của ngành chăn nuôi

Chia sẻ tại Hội thảo Liên kết chuỗi chăn nuôi an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm, TS Võ Trọng Thành, đại diện Cục chăn nuôi cho hay, Việt Nam sẽ phát triển chăn nuôi dựa trên 4 trục chính.

Cụ thể, (1) phương thức gồm 70% sản phẩm công nghiệp, 25% sản phẩm truyền thống, 5% sản phẩm hữu cơ; (2) nâng cao năng suất tốt, chất lượng cao, giá cạnh tranh; (3) an toàn thực phẩm, an toàn sinh hoạt, an toàn môi trường; (4) thị trường gồm nội địa, ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Đông.

Trong 10 năm qua (2008 – 2018), tổng đàn lợn của Việt Nam tăng 2,4% nhưng lượng giết thịt tăng 33,5%; đàn gia cầm tăng 55,5% nhưng sản lượng giết tăng đến hơn 134%; tổng đàn trâu tăng 13,7% nhưng lượng giết tăng hơn 23%; tổng đàn bò giảm 14,7% nhưng lượng giết thịt tăng 43,4%.

Việc lượng giết thịt tăng nhanh hơn so với tổng lượng đàn gia cầm, gia súc cho thấy Việt Nam đang phát triển mạnh về thâm canh hơn.

Ông Thành thông tin, ngành chăn nuôi Việt Nam từ năm 2008 – 2018 đạt 5 bước tiến quan trọng. Trong đó, tăng năng suất từ 15 – 20% tùy theo đối tượng vật nuôi. Khoảng 30% cơ sở chăn nuôi chuyển sang phương thức công nghiệp và chuyên nghiệp, góp phần tạo ra tương ứng trên 55% sản lượng thịt, trứng, sữa. Nền móng của ngành chăn nuôi hàng hóa có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Masan. Chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được hình thành. Ngành chuyển hướng từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng, hiệu quả và giá trị tăng cho các ngành hàng.

TS Võ Trọng Thành, đại diện Cục chăn nuôi. (Ảnh: Tiến Vũ).
TS Võ Trọng Thành, đại diện Cục chăn nuôi. (Ảnh: Tiến Vũ)

Bên cạnh những thành tựu, ngành vẫn đang gặp không ít khó khăn. Ông Thành đánh giá, sản xuất và thị trường của ngành chăn nuôi vẫn chưa có sự kết nối. Tình trạng dịch bệnh truyền nhiễm gặp khó khăn trong kiểm soát, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng (LMLM), tai xanh. Tái cơ cấu ngành chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp. Việc giết mổ, chế biến chưa được quản lý và quy hoạch tốt, tỷ trọng chế biến thấp, hầu hết ở giai đoạn đầu của quá trình.

Vẫn còn nhiều thách thức

Song song đó, việc tổ chức sản xuất còn yếu, chi phí sản xuất cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, khó đi vào cuộc sống. Ông Thành cho hay thêm, ngành chăn nuôi còn đối mặt với khó khăn do thể chế thiếu hoàn thiện khi còn vướng mắc liên quan đến đất đai, tín dụng, bảo hiểm, đầu tư, quy hoạch… Và điều quan trọng là hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị còn đang yếu. 4 thách thức của ngành chăn nuôi.

Trong 10 năm tới, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với những thách thức sau:

Thứ nhất, cạnh tranh ngày càng tăng khi thế giới ngày càng phẳng bởi các hiệp định thương mại khu vực và thế giới đã và đang xóa dần các rào cản thương mại mang tính bảo hộ.

Thứ hai, tình hình dịch bệnh vẫn rất đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề kháng thuốc, biến chủng virus, các dịch bệnh mới nổi, khó khăn trong giải quyết LMLM và tai xanh.

Thứ ba, chi phí cao và khó khăn trong kiểm soát môi trường khi chăn nuôi tích tụ với quy mô lớn hơn, ô nhiễm môi trường cũng tăng cao; nhiều trang trại sẽ phải ngừng hoạt động hoặc dịch chuyên ra khu vực khác.

Thứ tư, cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Trong đó cung của sản phẩm thủy sản, gia cầm, thịt bò sẽ tăng, cầu thịt lợn sẽ chững lại do thị hiếu và thói quen ẩm thực người Việt thay đổi.

Mặc dù vậy, ngành vẫn còn khá nhiều triển vọng phát triển. Ông Thành cho hay, số lượng trang trại chăn nuôi sẽ tăng lên, sản lượng chăn nuôi từ trang trại sẽ chiếm khoảng 70 – 75% tổng sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, số lượng hộ chăn nhỏ sẽ giảm mạnh từ 5 – 7% mỗi năm, đến 2028, sản lượng từ trong nông hộ chỉ còn dưới 30%. Khi đó, chăn nuôi chủ yếu sẽ là cuộc chơi của những nhà chăn nuôi chuyên nghiệp.

Theo ông Thành, việc hợp tác, liên kết thông qua hợp đồng chính thức giữa nhà chăn nuôi, nhà giết mổ, nhà bán lẻ sẽ phát triển mạnh. Ngành chăn nuôi sẽ năng tỷ lệ áp dụng đăng ký chăn nuôi (80%) và phát triển thực phẩm chuỗi có truy xuất nguồn gốc; 90% thịt và sản phẩm thịt bán lẻ ở thành phố lớn được truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, giết mổ và chế biến sâu thịt lớn, gia cầm được quan tâm và đầu tư mạnh hơn, tỷ lệ thịt chế biến đạt 30% sản lượng. Tỷ trọng thịt giết mổ công nghiệp, giết mổ treo, giết mổ an toàn tăng lên trên 70%, tương ứng với tỷ trọng lợn nuôi trong trang trại (hiện nay ước dưới 10%).

Cuối cùng, sản phẩm thịt, trứng, sữa có thương hiệu của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông. Lợn sữa tạo được vùng nguyên liệu, xây dựng được thương hiệu xuất sang Hong Kong, Macau, Đài Loan.

Tiến Vũ

Tiến Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *