Thu nhập cao từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp đang được nhiều hộ nông dân huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) lựa chọn.

Đến thăm mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình ông Lê Văn Thanh thôn 5 xã Hội Sơn, ấn tượng đầu tiên là hàng trăm cặp chim bồ câu được nuôi nhốt rất khoa học. Bắt một con bồ câu cho chúng tôi xem, ông Thanh chia sẻ: Hiện tại gia đình ông có trên 200 cặp bồ câu bố mẹ sinh sản, tất cả đều là giống của Pháp.

Việc nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình ông Thanh bắt đầu cuối năm 2014. Sau khi biết được hiệu quả mô hình nuôi bồ câu Pháp qua phương tiện truyền thông, nhận thấy đây là một mô hình mới, có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện của gia đình, ông quyết định đầu tư 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại trên diện tích đất 60 m2 và ra Bắc Giang mua 30 cặp giống về nuôi thử. Ông Thanh chọn nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp. Trên diện tích 60 m2 ông bố trí 180 ô nuôi khoa học, thoáng mát sạch sẽ. Thức ăn của bồ câu chủ yếu là ngô và lúa.

Qua quá trình nuôi thử, thấy bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản, chủ yếu là thóc và ngô, thịt lại là thực phẩm giàu dinh dưỡng, người dân có nhu cầu sử dụng cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, gia đình ông quyết định thực hiện mô hình này. Nhờ làm tốt khâu chăm sóc nên đàn bồ câu của gia đình ông tăng dần qua từng tháng.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình, ông Thanh vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc: Chim bồ câu  Pháp rất dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, sinh sản nhanh và dễ tiêu thụ. Người nuôi chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh chuồng trại, cách phòng dịch và thức ăn. Chuồng trại phải bố trí nơi cao ráo, thoáng mát, yên tĩnh, bảo đảm tránh mưa và không có gió lùa. Khi trưởng thành bồ câu được thả chung với nhau để chúng tự ghép đôi sau đó sẽ được nhốt vào lồng.

Vì vậy, vợ chồng ông đã bố trí chuồng trại trên nền xi măng cao và kiên cố để tránh những thiệt hại do thời tiết gây ra. Trong diện tích 60 m2 chuồng nuôi, ông Lê Văn Thanh chia làm 180 ô, mỗi ô 2 con chim giống bố mẹ, trong ô đặt một ổ đẻ lót bằng rơm khô. Ngoài ra còn có máng ăn, máng uống, lúc nào cũng sạch sẽ và thay rửa thường xuyên, tránh bị phân và lông chim làm ô nhiễm.

Bồ câu Pháp nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản, một cặp chim bồ câu  có thể đẻ tới 7 – 8 lứa một năm, mỗi lứa 2 trứng. Thức ăn chính của chúng là lúa, ngô trộn lẫn, theo đó sẽ cho chim ăn 2 lần trong ngày, buổi sáng và buổi chiều.

Với nguồn giống dồi dào, 2 vợ chồng ông Thanh vừa chăm sóc vừa nuôi bán để có nguồn kinh phí tái đầu tư trở lại. Với 200 cặp chim bồ câu ở độ tuổi đang sinh sản, mỗi tháng gia đình ông Thanh có khoảng 150 cặp chim bồ câu vừa giống vừa thịt.

Nếu tính giá 1 cặp chim giống hiện bán 350.000 đồng, giá chim thịt khoảng 120.000 đồng/cặp thì mỗi tháng sau khi trừ chi phí gia đình ông có nguồn thu từ 4 – 5 triệu đồng.  Đây quả là một con số không hề nhỏ với một hộ dân ở nông thôn.

Bồ câu Pháp là 1 loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thơm ngon, lại có giá thành vừa phải nên hiện nay nhu cầu thị trường là rất lớn. Mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình ông Lê Văn Thanh thôn 5 xã Hội Sơn thường xuyên được khách hàng vào tận nhà đặt hàng, nhiều khi không có đủ để cung cấp. Đây là một mô hình mới, mang lại giá trị kinh tế cao cần được nhân ra diện rộng.

Huyền Trang- Thái Hiền

Nguồn: Báo Nghệ An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *