Bệnh sưng phù đầu ở lợn con nguyên nhân, giải pháp phòng và trị

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện nay bệnh sưng phù đầu lợn do trực khuẩn Eschechia .Coli (chủng dung huyết), xẩy ra với tỷ lệ cao hơn so với thời gian trước đây tại những địa phương có chăn nuôi nhiều.

Vùng đồng bằng, chiêm trũng (như Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi lộc, Hưng Nguyên…) do nhu cầu sản xuất, nhập nuôi con giống để phục vụ Tết nguyên đán; mặt khác đây là thời gian giao mùa từ Thu chuyển sang Đông, diễn biến thời tiết thay đổi thất thường, làm giảm sức đề kháng của đàn lợn, mầm bệnh có sẵn trong môi trường chăn nuôi, hoặc có trong cơ thể lợn tăng độc lực và gây bệnh.

 

Đặc điểm của bệnh

Bệnh sưng phù đầu thường xảy ra ở lợn trong giai đoạn cai sữa và sau cai sữa 3-4 tuần. Lợn con tách khỏi mẹ nên thường có những thay đổi về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng như: thức ăn, chuồng nuôi. Mặt khác những yếu tố stress bất lợi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm làm giảm sức đề kháng của lợn hoặc vệ sinh chuồng nuôi kém cũng là nguyên nhân làm cho vi khuẩn E.Coli có cơ hội phát triển. Bệnh cũng có thể lây trên đàn lợn con còn đang bú mẹ.

Trong thời kỳ tập ăn và sau cai sữa lợn con rất mẫn cảm với nhiều bệnh do vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút… ) gây nên, do cơ quan đáp ứng miễn dịch của lợn phát triển chưa hoàn chỉnh, chưa được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; lượng kháng thể được truyền thụ động từ lợn mẹ thông qua sữa đầu duy trì trong 2-3 ngày sau khi sinh, từ sau 7 ngày tuổi hàm lượng kháng thể trong máu lợn gần như bằng “0”. Đây là giai đoạn lợn con rất dễ mắc bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Các loại mầm bệnh đặc biệt E.coli rất phổ biến trong môi trường, đất, nước, nền chuồng… gây nên nhiều bệnh truyền nhiễm phức tạp, trong đó có bệnh sưng phù đầu ở lợn con.

 

 Tác nhân gây bệnh

Do vi khuẩn Escherichia coli (thuộc họ Enterobacteriaceae) gây ra… Vi khuẩnE.coli bình thường có sẵn trong đường ruột chủ yếu ở trong phần ruột già và phần dưới của ruột non, đây là vi khuẩn cơ hội sẵn sàng tấn công vào cơ thể heo khi có một số điều kiện tác động đến heo như: Những ngày đầu sau khi đẻ, do heo con chưa hoàn chỉnh hệ thống phòng vệ; Lượng acid dạ dày (HCl) còn ít nên vi khuẩn E.coli dễ dàng xâm nhập vào ruột và gây bệnh; Việc chăm sóc nuôi dưỡng heo mẹ chưa phù hợp, chuồng trại ẩm ướt, vệ sinh kém, không thông thoáng, bị stress, thiếu máu, thiếu vitamin…

Vi khuẩn Ecoli xâm nhập vào đường tiêu hóa và phát triển, nhân lên nhanh chóng về số lượng, đồng thời sản sinh nhiều độc tố đi vào máu đầu độc cơ thể lợn, đặc biệt là hệ thần kinh gây hoảng loạn, làm tổn thương thành mạch dẫn đến thẩm xuất dịch ra ngoài gây hiện tượng phù nề. Lợn con chết rất nhanh, tỷ lệ chết cao tới trên 90% nếu không được can thiệp kịp thời.

 

Triệu chứng

Bệnh thường diễn ra nhanh, nếu ở thể quá cấp tính lợn chết đột ngột không biểu hiện triệu chứng điển hình. Trên một đàn lợn, bệnh thường xảy ra ở các con lớn trước, sau đó lây sang các con khác. Hiện tượng phù thũng là triệu chứng đặc trưng của bệnh, thường thấy ở vùng đầu như: phù mí mắt; phù ở hầu chèn ép thanh quản làm lợn kêu tiếng khàn; có những triệu chứng thần kinh co giật, liệt 2 chân sau, chuyển động mất định hướng, trước khi chết 4 chân như “bơi thuyền”.

Một số trường hợp có biểu hiện thở khó, xung huyết ở các niêm mạc (mắt, mồm), xanh tím ở các vùng ngoại biên như tai, mõm. Thân nhiệt của lợn bình thường, không sốt. Lợn có thể bị tiêu chảy hoặc không tiêu chảy.

 

Bệnh tích

Lợn chết nhanh vì thế ít giảm khối lượng, tích nước dưới da, tím ở ngực, máu đặc và sẫm màu. Dạ dày, ruột chứa đầy thức ăn không tiêu, thành ruột xuất huyết nặng. Đường cong lớn ở dạ dày thủy thũng. Màng treo kết tràng, ruột non, trực tràng, xoang ngực và bụng tích nước. Viêm màng phổi và viêm phổi nặng; Gan, lách sưng tụ huyết, xuất huyết; Hạch ruột, hạch bẹn, mí mắt, lỗ tai, mặt, thanh quản thủy thũng.

 

Điều trị

Vi khuẩn E.Coli sinh ngoại độc tố nhiễm vào máu nên việc điều trị kém hiệu quả. Do đó cần theo dõi và phát hiện bệnh sớm: Trong đàn nếu thấy một số con ốm (có biểu hiện triệu chứng lâm sàng) tách ngay ra khỏi đàn.

Nguyên tắc điều trị là cùng lúc làm giảm (trung hòa) hàm lượng độc tố trong máu và giảm mật độ, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn E.coli cư trú trong đường ruột, cụ thể:

– Ngừng cho ăn thức ăn giàu tinh bột, tăng khẩu phần thức ăn rau xanh, chất xơ, có thể trộn thêm kháng sinh vào thức ăn (Trimco-colis). Chuồng trại khô ráo, ấm áp.

– Tiến hành tiêm cho toàn đàn lợn chưa có dấu hiệu lâm sàng và những con đang ốm: Kháng thể Ecoli tiêm 01 lần/ngày, trong vòng 2-3 ngày. Tiếp đó tiêm kháng sinh Genorfcoli: 2mg/10 kg thể trọng, tiêm bắp thịt. Kết hợp tiêm bổ sung thuốc bổ trợ: điện giải, vitamin C, Bcom plex.

 

Phòng bệnh

Chăm sóc, vệ sinh, nuôi dưỡng; Luôn giữ chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ, khô ráo; thức ăn, nước uống hợp vệ sinh nhằm giảm khả năng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể lợn. Thường xuyên sát trùng và tẩy uế chuồng trại bằng hóa chất Benkocid, Iodine hoặc vôi bột…

– Tập cho lợn ăn sớm vào tuần lễ thứ hai bằng thức ăn dễ tiêu hóa.

– Tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho lợn con bằng các thuốc trợ sức, trợ lực, men vi sinh… Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Không thay đổi đột ngột thức ăn.

– Khi cai sữa nên giữ lợn con ở lại chuồng và chuyển lợn mẹ sang chuồng khác. Trong khẩu phần ăn của lợn luôn có hàm lượng thức ăn thô xanh 25 – 40% không nên cho lợn ăn quá nhiều tinh bột, chất đạm.

– Phòng bệnh bằng trộn kháng sinh vào thức ăn hoặc nước uống khi chuyển mục đích nuôi, thay đổi chuồng trại, hoặc mới nhập lợn về…. Sử dụng một trong các loại kháng sinh sau: Amoxgen: 2-2,5 g/10 kg thể trọng/ngày; Norfacoli: 1g/5-7 kg thể trọng/ngày; Trimco 2g/10 kg thể trọng/ngày. Liệu trình phòng 3 ngày liên tục.

Sử dụng vắc xin phòng bệnh:Biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất do: Tạo miễn dịch đầy đủ, chủ động, kéo dài; Tránh được stress trong giai đoạn tập ăn do phải giảm khẩu phần ăn. Chi phí cho một liều tiêm vắc xin thấp hơn nhiều so với dùng kháng thể, khả năng đề kháng kéo dài và ổn định hơn.

Đây là vắc xin bất hoạt được sản xuất từ các chủng Escherichia Coli dung huyết có độc lực cao. Vắc xin đã được Viện Thú y quốc gia kiểm định, có tính an toàn và ổn định cao, khả năng tạo đáp ứng miễn dịch tốt và bền vững. Tỷ lệ bảo hộ cao trên 90%.

Khả năng kích thích tạo đáp ứng miễn dịch: Thời điểm có đáp ứng miễn dịch chống bệnh là từ 14 ngày sau khi tiêm vắc xin (kháng thể trong máu đạt cao nhất là 21 ngày sau khi tiêm). Hàm lượng kháng thể cao duy trì trong 6 tháng.

Vắc xin sử dụng an toàn cho tất cả các lứa tuổi lợn từ 7 ngày tuổi trở lên. Tuy nhiên, để phòng bệnh hiệu quả nhất cần tuân thủ hướng dẫn sau: Tiêm cho lợn con từ 7-10 ngày tuổi. Trước, trong và sau quá trình tiêm vắc xin cần chú ý chăm sóc tốt cho lợn con. Không tiêm vắc xin khi lợn con đang mắc bệnh.

Kỹ thuật tiêm: Cố định lợn chắc chắn, xác định vị trí tiêm; Lắc kỹ lọ vắc xin (Sử dụng kim tiêm số 9); liều tiêm 1ml/con, vị trí tiêm là 1/3 từ phía trên sau gốc tai.

Cao Viết Dương

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *