Xử lý bệnh loét miệng truyền nhiễm trên dê

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh viêm loét miệng truyền nhiễm ở dê xảy ra phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.

Nguyên nhân

Bệnh do một loại virus thuộc họ Poxviridae, giống Parapoxvirus hướng thượng bì gây ra.

Đặc điểm

Virus tồn tại 1 tháng trên lông và da sau khi tổn thương lành lại. Virus dễ bị sức nóng tiêu diệt (5 phút ở 600C) nhưng chống đỡ được lâu khi bị khô (vảy khô). Một tháng sau khi lành bệnh, còn tìm thấy virus trong những mảnh thượng bì tróc ra, phơi nắng 42 giờ vẫn chưa diệt được chúng. Những vảy rơi xuống đất có thể là nguồn truyền bệnh quan trọng cho con khác trong thời gian vài tháng hoặc thậm chí một năm sau.

Cơ chế gây bệnh: Virus xâm nhập vào dê qua chỗ da bị trầy xước hoặc niêm mạc, do cây cỏ nhọn sắc gây xây xát ở miệng, thuận tiện cho virus nhiễm vào. Tỷ lệ mắc bệnh ở dê thường tới 100%, trong đó, tỷ lệ chết do đói hoặc bệnh thứ phát có thể tới 20%.

Đối tượng nhiễm bệnh: Ngoài dê, cừu cũng là đối tượng có thể nhiễm bệnh. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi. Dê trưởng thành thường mắc bệnh nhẹ. Những con non hay con gầy yếu thường chết do không ăn được; nếu thời tiết xấu, dê trưởng thành cũng có thể chết nhiều. Dê mới chuyển vùng, nhất là dê con dễ mắc bệnh hơn.

Bệnh loét miệng truyền nhiễm do virus gây ra thiệt hại cho các hộ nuôi dê – Ảnh: ST

Triệu chứng

Những ngày đầu, dê xuất hiện các nốt nhỏ bằng hạt đậu xanh trên bờ môi. Bắt đầu da sưng lên rồi thành những mụn đỏ có mủ, có phản ứng ở hạch dưới hàm (nóng, đau). Mụn nổi một cách liên tục, hay từng đợt nối tiếp, kéo dài chứng 10 ngày. Những mụn đỏ lan rộng và ngày càng dày lên, bọc một đám cứng, làm môi dày lên khó cử động, lỗ mũi bị hẹp lại. Con vật lấy và nuốt thức ăn khó, đau nên thường bỏ ăn, chảy dãi, lỗ mũi bị bịt kín chất nhầy, thở khó.

Bệnh tiến triển trong 4 – 6 tuần. Khi bệnh nhẹ con vật có thể khỏi trong 3 tuần, các mô lành lại và không để lại sẹo.

Bệnh tích

Khi mổ khám thấy xuất hiện viêm loét miệng, viêm loét lợi chân răng, viêm loét hoại tử thanh quản, phổi viêm ở nhiều cấp độ khác nhau, ruột già có phủ fibrin.

Chẩn đoán

Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh là nổi mụn nước ở môi, mép, đầu vú, núm vú, âm hộ nhưng không xuất hiện mụn nước ở móng chân.

Lấy bệnh phẩm (vẩy, mụn) gửi đi xét nghiệm virus ở các phòng thí nghiệm hiện đại.  Lưu ý, cần chẩn đoán phân biệt với bệnh lở mồm long móng và bệnh đậu dê.

Trị bệnh

Bệnh do virus gây ra nên điều trị bằng kháng sinh không có hiệu lực. Thực hiện cách ly những con ốm. Chăn thả dê theo đường riêng, bỏ những đồng cỏ đã nhiễm bệnh.

Cạy bong vết thương, dùng khăn sạch và nước muối sinh lý rửa sạch vết thương. Dùng chanh, khế… xát vào vết loét, sau đó dùng xanh metylen bôi vào vết loét hoặc có thể dùng dung dịch Iod-Tetran bôi vào vết loét ngày 2 – 3 lần.

Những dê có triệu chứng nhiễm trùng kế phát thì phải dùng kháng sinh như: Streptomycin, Tetracyclin, Ampicillin, Penicillin, Amoxicillin… hoặc các thuốc kháng sinh dạng mỡ bôi vào vết thương cho dê.

Hàng ngày phải thu dọn, vệ sinh tiêu độc khu vực nuôi dê mắc bệnh; dụng cụ bôi thuốc điều trị xong phải được sát trùng kỹ…

Phòng bệnh

Giảm thiểu stress khi vận chuyển.

Chỉ mua giống ở cơ sở uy tín và an toàn dịch bệnh. Luôn kiểm dịch động vật mới trước nhập và cách ly trước khi nhập đàn.

Tăng cường tiêu độc, sát trùng chuồng trại. Luôn luôn đeo găng tay điều trị, tiếp xúc với động vật vì con người có thể mắc bệnh.

Cho dê ăn những thức ăn mềm, non, thường xuyên bổ sung các Vitamin A, B…

Tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Lê Loan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *