Lợn Mangalitsa dễ nuôi, giá trị cao

(Người Chăn Nuôi) – Từng bị tuyệt chủng ở Anh năm 1972, nay giống lợn Mangalitsa đang được nuôi dưỡng và số lượng dần phục hồi tại Mỹ. Lợn Mangalitsa đang là đối tượng nuôi đầy tiềm năng với thị trường tiêu thụ rộng lớn, bởi chất lượng thịt không kém thịt bò Kobe của Nhật.

Chất lượng đầu bảng

Wilhelm Kohl, chủ trang trại Pure Mangalitsa tại bang Michigan –  một trong những cơ sở nhập khẩu lợn Mangalitsa để nuôi đầu tiên tại Mỹ chia sẻ, điều khiến loài lợn này khác biệt các giống lợn thông thường chính là hương vị thịt thơm ngon không kém thịt bò Kobe. Phần lớn các trại nuôi lợn 50 năm lại đây đều dùng cám tổng hợp tạo nạc, sau đó thổi phồng chất lượng sản phẩm qua quảng cáo về một loại thịt trắng mới. Thực chất quy trình nuôi như trên khiến mùi vị thịt lợn kém tự nhiên. Nhiều người tiêu dùng thậm chí đánh giá thịt lợn siêu nạc là thứ “vô vị”. Những nhà cung cấp thịt lợn Mangalitsa thường nói, ngày nay người tiêu dùng đang cần tìm kiếm “thịt lợn thật” thay vì “thịt giả” từ những con lợn được vỗ béo bằng thức ăn tổng hợp.

Lợn Mangalitsa

Lợn Mangalitsa có bộ lông xù dày nhưng không bị nóng vào mùa hè – Ảnh: becuo.com

Lợn Mangalitsa có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Miếng thịt tươi sắc với những đường gân mỡ đan xen nạc trông giống vân đá cẩm thạch khiến miếng thịt nhìn bắt mắt hơn. Nhưng quan trọng nhất, thịt lợn Mangalitsa thơm, mềm và ngon như thịt bò Kobe của Nhật. Rất nhiều khách hàng không muốn ăn thịt lợn được nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp. Họ đề cao phúc lợi động vật của sản phẩm bày bán trên thị trường, có nghĩa động vật phải được nuôi thả tự do. Trong khi đó, lợn Mangalitsa không quen sống trong chuồng, chúng thích được tự do đào bới thức ăn. Do đó, lợn Mangalitsa dẫn đầu về chất lượng và những tiêu chí phúc lợi động vật mà hầu hết người tiêu dùng trên thế giới đang tìm kiếm.

Dễ nuôi

Khẩu phần ăn thêm dành cho lợn phụ thuộc môi trường nuôi. Nếu chăn thả lợn Mangalitsa gần bìa rừng, rừng rậm… thì người nuôi thậm chí không cần cho ăn thêm nhiều, vì loài lợn này có thể ăn rất nhiều thứ chúng tìm thấy (như gỗ cây óc chó, hạt dẻ, quả dại, cỏ, côn trùng…). Theo kinh nghiệm của Wilhelm Kohl, người nuôi chỉ nên bổ sung lúa mạch hoặc bột mì vào khẩu phần ăn thêm của lợn Mangalitsa, tuyệt đối không cho ăn bằng ngô hay đậu tương vì ngô và đậu có thể phá vỡ tỷ lệ chuẩn giữa thịt nạc và mỡ; đồng thời làm tan những đường gân mỡ đặc trưng đan xen trên miếng thịt, khiến thịt kém ngon và không bắt mắt. Wilhelm Kohl nhấn mạnh, nuôi lợn chất lượng cao, đồng nghĩa nguồn thức ăn cho chúng cũng phải đạt chuẩn chất lượng. Nhiều nơi sử dụng lông lợn làm len nhưng chất lượng thua xa len lông cừu về độ mịn. Do đó, cho tới nay, bộ lông đặc biệt chỉ có tác dụng giữ ấm cơ thể lợn. Nhiều nông dân coi lợn Mangalitsa như thú cưng. Nếu đối xử thân thiện với chúng, chúng sẽ thuần tính như loài chó.

Nuôi lợn Mangalitsa không khó. Nguyên tắc đầu tiên là không nhốt chúng vào chuồng chật hẹp. Người nuôi cần phải có mảnh đất đủ rộng để lợn tự do tìm kiếm thức ăn; đồng thời xây hàng rào bảo vệ chúng. Mùa đông lạnh, chủ trại xây thêm chuồng nhỏ làm chỗ trú tạm cho lợn. Loài lợn này không thích nhốt trong chuồng, thậm chí mùa đông lạnh chúng vẫn muốn tự do kiếm ăn bên ngoài. Tại trang trại Pure Mangalitsa, lợn được thả trên bãi cỏ rộng để thỏa sức tìm kiếm thức ăn và… gặm cỏ.

Bảo tồn nguồn gen

Lợn Mangalitsa nguồn gốc Hungary. Chúng từng thống trị các khu chợ châu Âu thời Thế chiến 2. Nhưng do buông lỏng bảo tồn nguồn gen, lợn bị lai tạp nhiều và gần như tuyệt chủng vào những năm 1970. Mỹ đang có 400 – 500 con lợn thuần chủng Mangalitsa. Pure Mangalitsa cũng là trại nuôi đi đầu trong công tác bảo tồn nguồn gen quý. Wilhelm Kohl cho biết, trại Pure Mangalitsa chỉ nuôi giống lợn Mangalitsa thuần chủng, và đang kết hợp với nhiều cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương, thuộc Bộ Nông nghiệp để cùng bảo tồn và phát triển nguồn gen của giống lợn này. Theo Wilhelm Kohl, nguồn gen của lợn Mangalitsa được thể hiện bởi sức đề kháng, chống chọi dịch bệnh cao, chất lượng thịt thơm ngon.

Lợn Mangalitsa

Mục tiêu trước mắt của Pure Mangalitsa là nhân rộng hoạt động nuôi lợn Mangalitsa trên toàn nước Mỹ, bởi giá trị thương phẩm cao, có thể mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng đang tích cực tuyên truyền, giúp nông dân biết rõ về giống lợn quý, từ đó không tự ý lai tạp lợn Mangalitsa với lợn khác, nhằm giữ được bộ gen nguyên chủng của chúng. Ngày nay, nhiều nông dân Mỹ đã biết đến lợn Mangalitsa và đang nuôi phổ biến nhưng đều có ý thức bảo tồn nguồn gen nguyên chủng. Lợn có bộ lông xù rất dày, nhưng vào mùa hè chúng không bị nóng bức và không ảnh hưởng tới chất lượng thịt hay quá trình nuôi. Loài lợn này dễ nuôi, chúng có thể sống tốt ở nhiều nơi, từ Florida tới California.

> Lợn Mangalitsa sống bầy đàn. Thời gian nuôi lấy thịt không quá 15 tháng. Khi lợn thịt nuôi đạt trọng lượng 280 – 300 pound sẽ cho chất lượng thịt tốt nhất. Không nên chăm sóc lợn bằng nguồn thức ăn tổng hợp quá nhiều, vì sẽ phá vỡ tỷ lệ chuẩn thịt nạc, mỡ hoặc làm cho thịt lợn nhiều mỡ hơn – Wilhelm Kohl, chủ trang trại Pure Mangalitsa.

Đan Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *