Vệ sinh thú y và phòng bệnh trên dê, cừu

(Người Chăn Nuôi) – Để việc nuôi dê, cừu đạt hiệu quả cần nâng cao ý thức thực hiện công tác vệ sinh thú y và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho dê, cừu.

Yêu cầu

Chuồng trại, nơi chăn nuôi được xây dựng ở những khu biệt lập cánh xa khu dân cư, để cách ly động vật nhiễm bệnh và dễ dàng xử lý nước thải động vật. Chuồng nuôi và khu vực xung quanh cần được quét dọn, khơi thông cống rãnh hàng ngày và thường xuyên đốt rác thải. Nền chuồng được thiết kế bằng phẳng, nhẵn, dễ vệ sinh, có rãnh thoát phân và nước tiểu.

Khi không có dịch bệnh, định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, bãi chăn, bãi thả 2 tuần/lần, khi có dịch bệnh xảy ra tiến hành 2 – 3 lần/tuần.

Trước khi đưa dê, cừu vào nuôi và sau khi xuất chuồng cần thu gom hết phân thải, rửa sạch chuồng bằng nước sau đó tẩy trùng chuồng trại bằng một số hóa chất khử trùng như BKA, Virkon, thường dùng nhất là nước vôi 10%. Để chuồng trại 7 – 10 ngày trước khi nuôi vụ mới.

Không chăn thả dê, cừu cố định ở một bãi chăn mà cần luân phiên để cây cối có thể phát triển và hạn chế ô nhiễm. Nên tránh những bãi chăn có vũng nước nhằm hạn chế dê, cừu bị giun sán.

Không chăn thả dê, cừu cố định ở một bãi

Hàng ngày, theo dõi sức khỏe trên dê, cừu, không sử dụng thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất. Thức ăn thô, xanh đảm bảo chất lượng, nếu không sử dụng hết trong một lần cũng không được tấp đống mà phải rải ra. Nếu dự trữ cần phơi khô rồi bó lại thành bó hoặc ủ chua, ủ urê theo đúng kỹ thuật, không sử dụng khi bị nấm mốc. Vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống hàng ngày. Nước sử dụng cho dê, cừu uống phải sạch sẽ, không bị ô nhiễm.

Hàng ngày kiểm tra từng con nhằm phát hiện những con bỏ ăn, đau ốm, loét miệng, đầy hơi để kịp thời điều trị.

Biện pháp phòng bệnh

Ngoài việc đảm bảo vệ sinh thú y trong nuôi thương phẩm dê, cừu cần phải tiến hành một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp và phòng một số bệnh thường gặp trên vật nuôi.

Khi trong đàn có một số con bị bệnh cần tách riêng những con bệnh với những con khỏe để dễ theo dõi và tránh lây lan. Định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng vaccine để phòng bệnh truyền nhiễm cho dê, cừu như: lở mồm long móng, đậu, tụ huyết trùng.

Tụ huyết trùng

Tụ huyết trùng ở dê cừu là một bệnh truyền nhiễm, lây lan mạnh và gây thiệt hại lớn. Bệnh xảy ra quanh năm trên mọi lứa tuổi, nhưng thường bị nặng khi chuyển mùa với những biểu hiện điển hình là viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm vú. Bệnh do một số loài vi khuẩn Pasteurella gây ra. Dê, cừu bệnh thường có biểu hiện sốt, ủ rũ, bỏ ăn, ho… Ở thể cấp tính dê, cừu khó thở và chết. Nếu sống sót, bệnh chuyển sang thể mãn tính làm giảm khả năng hô hấp dẫn đến làm giảm khả năng sinh trưởng và phát triển. Việc điều trị rất khó khăn, thường chậm hiệu quả và tốn kém, vì vậy áp dụng phòng bệnh bằng vaccine là biện pháp có lợi nhất. Bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh trong giai đoạn sớm của bệnh. Có thể dùng các loại kháng sinh như: Kanamyxin; hoặc Streptomyxin, Doxy-Tylo; Tylocol với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình điều trị sử dụng thêm 1 số thuốc Vitamin B1, Vitamin C, thuốc trợ tim để vật nuôi mau phục hồi.

Sử dụng thức ăn thô, xanh đảm bảo chất lượng cho dê

Bệnh đậu

Bệnh đậu ở dê, cừu là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh với các mụn đậu xuất hiện ở nhiều chỗ trên da mặt và niêm mạc miệng, mũi. Dê, cừu non bị bệnh nặng và chết với tỷ lệ cao (30 – 40%), gây nhiều thiệt hại về kinh tế. Bệnh gây ra do siêu vi trùng đậu dê, cừu. Khi bị bệnh dê, cừu bệnh thể hiện sốt cao 40 – 410C, kéo dài 3 – 5 ngày, chảy nước mắt và dịch mũi, kém ăn, nằm một chỗ, trên da mặt xuất hiện các mụn nhỏ như hạt đổ, hạt ngô, lúc đầu nhỏ, sau mọng trắng vỡ loét ra, chảy dịch, đóng vảy nâu đen, vảy bong ra để lại vết sẹo đỏ. Các mụn đậu lại mọc lên đám da khác. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh đậu.

Khi dê, cừu bị bệnh sử dụng các dung dịch sát trùng như Blue Methylen 1% hoặc dung dịch Iodin 1% bôi lên các mụn đậu. Các dung dịch này đều diệt được siêu vi trùng và vi khuẩn ở mụn đậu, làm cho mụn đậu đóng vảy nhanh, bong ra và thành sẹo nhanh. Khi có hiện tượng viêm nhiễm do vi khuẩn ở mũi, miệng và viêm khí quản thì điều trị bằng kháng sinh Kamamycin, dùng liều 20 mg/kg thể trọng, dùng thuốc liên tục 5 – 6 ngày, kết hợp với sử dụng các loại thuốc trợ sức: Vitamin B1, Vitamin C và cafein. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine cho dê, cừu. Giữ chuồng trại luôn khô, sạch, kín ấm và mùa đông và thoáng mát về mùa hè.

Viêm phổi

Bệnh thường xuyên xảy ra trong đàn dê, cừu khi thời tiết thay đổi từ ấm áp sang lạnh ẩm hoặc từ lạnh sang nóng ẩm; nhất là ở dê, cừu non, tỷ lệ chết cao, gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Bệnh gây ra do vi khuẩn nhiễm phổi kết hợp với các tạp khuẩn khác có sẵn trong đường hô hấp của dê, cừu. Thời gian ủ bệnh thường trong 3 – 4 ngày.

Dê, cừu bệnh thời gian đầu sốt cao 41- 45,50C kéo dài 3 ngày, nước mắt dịch mũi chảy liên tục, ăn kém hoặc bỏ ăn, niêm mạc mắt đỏ sẫm, thở khó tăng dần, từ ho khan đến ho khạc ra dịch mũi khi bệnh đã trở nên trầm trọng. Khi bị bệnh cấp tính thường chết nhanh, 4 – 6 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Dê, cừu trưởng thành bị bệnh mãn tính kéo dài, gầy yếu dần, ho thở ngày một nặng và thường chết sau 30 – 45 ngày vì xung hô hấp. Bệnh lây lan theo chiều ngang, qua đường hô hấp. Bệnh có thể phát hiện sớm dê, cừu ốm để cách ly và điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh bằng kháng sinh Tiamulin, dùng liều 1 ml cho 10 kg thể trọng, dùng liên tục trong 5 – 6 ngày. Ngoài ra cần sử dụng các loại thuốc trợ sức Vitamin B2, Vitamin C trong quá trình điều trị. Phòng bệnh bằng cách giữ chuồng trại khô sạch, kín ẩm mùa đông và thoáng mát mùa hè. Hiện, ở Việt Nam chưa có vaccine phòng bệnh viêm phổi cho dê, cừu.

Nhật Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *