Tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Định kỳ vệ sinh tiêu độc, khử trùng được coi là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Thế nhưng, nếu việc thực hiện không đúng cách sẽ gây lãng phí tiền của, công sức mà dịch bệnh vẫn xảy ra.

Phương pháp

Khi không có dịch, định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng tiêu độc, khử trùng một lần. Còn nếu khi có dịch, thực hiện liên tục tiêu độc 2 lần/tuần, đến khi hết dịch. Có thể sử dụng một số phương pháp tiêu độc sau:

Tiêu độc cơ giới

Bao gồm việc thực hiện thu dọn phân, rác, rơm rạ độn chuồng và thức ăn thừa để đem ủ hoặc đốt hủy; cọ rửa hoặc cạo lớp ngoài của dụng cụ, nạo vét mặt tường, nền nhà, sân chơi, bãi chăn, cống, rãnh… Tiêu độc cơ giới làm giảm số lượng mầm bệnh hoặc giảm những chất thích hợp cho sự tồn tại của mầm bệnh cũng như các chất tác động xấu đến chất lượng tiêu. Biện pháp tiêu độc cơ giới sẽ giúp tăng hiệu lực tác dụng của các phương pháp tiêu độc khác khi thực hiện trước và sau các biện pháp đó.

Tiêu độc vật lý

Dùng ánh sáng mặt trời chiếu thẳng tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh, sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hiệu quả. Nhiệt độ cao (lửa, đun sôi, hơi nước), có thể dùng để đốt thức ăn thừa, hơ nóng để tiêu độc các dụng cụ bằng tre, gỗ. Dùng nước sôi là phương pháp thông thường, rẻ tiền, hiệu lực cao, được dùng rộng rãi trong thực tiễn, nước đun sôi 60 – 800C tiêu diệt được hầu hết các loại vi khuẩn không có nha bào trong nửa giờ.

Tiêu độc hóa học

Là phương pháp sử dụng một số loại hóa chất có tính sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đây là phương pháp được dùng rộng rãi nhất trong thú y. Hiệu lực tác dụng của hóa chất phụ thuộc vào tác dụng đặc trưng của chất đó và vào sức đề kháng của từng loại mầm bệnh. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nồng độ, nhiệt độ của dung dịch đang dùng, nhiệt độ của đối tượng tiêu độc, thời gian tác dụng của thuốc trên đối tượng đó, tính chất vật lý và hóa học của đối tượng tiêu độc, mức độ ô nhiễm, cũng như bản chất của vi sinh vật mầm bệnh.

Vì vậy, phải chọn chất tiêu độc thích hợp và nắm vững phương pháp tiêu độc thì hiệu lực mới cao. Khi sử dụng hóa chất tiêu độc tránh phun xịt trực tiếp vào vật nuôi. Các chất hóa học sử dụng khử trùng phải ít độc đối với người và vật nuôi, dễ hòa tan trong nước, không làm hỏng dụng cụ, dễ sử dụng và rẻ tiền. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải lựa chọn những hóa chất tiêu độc không đủ các tiêu chuẩn thì cần chú ý để phòng tránh những tác động bất lợi do hóa chất tiêu độc mang lại.

Đối tượng

Trong chăn nuôi, khi vật nuôi mang bệnh sẽ đào thải các mầm bệnh và phát tán ra môi trường xung quanh (một số mầm bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, virus có thể phát tán xa hơn 3 km). Những mầm bệnh này bám vào chuồng trại, sân phơi, bãi chăn, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, các nơi chế biến và lưu trữ nguyên liệu động vật, thức ăn nước uống, thân thể động vật, tay chân và quần áo của người…; Khi có điều kiện sẽ xâm nhập và gây bệnh cho vật nuôi.

Các cách tiêu độc

Tiêu độc chuồng trại

Hiệu lực tiêu độc phụ thuộc vào cấu tạo chuồng trại. Tường, nền chuồng, sân chơi bằng phẳng thì hiệu lực tiêu độc cao hơn gồ ghề. Phải tiêu độc cơ giới trước khi tiêu độc hóa học. Các hóa chất thường dùng là sữa vôi 10 – 20%, Chlorur vôi 4 – 20% dùng để quét lên tường, nền chuồng, sân chơi… ; Formol 2 – 5%, NaOH 4 – 5%, Cresol 0,5 – 3%, Cresyl 3 – 5%, Axit phenic 2 – 5%, dùng để phun lên các vùng muốn tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, có thể dùng nước sôi dội, hun trấu, rắc vôi bột, quét vôi… để tiêu độc đối với một số lớn bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trên vật nuôi.

Tiêu độc phương tiện vận chuyển phân động vật

Bên trong và bên ngoài phương tiện vận chuyển cần phun khí dung hoặc dội dung dịch hóa chất tiêu độc. Sau 2 – 3 giờ dội bằng nước nóng. Phân và nguyên liệu của động vật bệnh hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có nha bào (bệnh nhiệt thán, ung khí thán…) cần phải đốt. Dùng chất tiêu độc mạnh tưới vào các phương tiện vận chuyển.

Tiêu độc phân

Có ba phương pháp tiêu độc phân là đốt, dùng các hóa chất và phương pháp ủ nhiệt sinh học. Phân nếu bị đốt thì chất lượng phân bón giảm, mặt khác đốt cháy không hoàn toàn thường sinh khí độc. Cho nên chỉ đốt khi phân bị nhiễm các loài mầm bệnh có sức đề kháng cao (như nhiệt thán, ung khí thán, virus thiếu máu truyền nhiễm ngựa). Các hóa chất cũng ít được dùng tiêu độc phân vì bất tiện, tốn kém, thường không đạt mục đích tiêu độc, lại gây trở ngại khi dùng phân bón. Phương pháp ủ nhiệt sinh học là phương pháp tiện lợi dùng để tiêu độc phân động vật mắc bệnh truyền nhiễm do các vi khuẩn không có nha bào gây nên. Phương pháp này được dùng để tiêu độc dựa trên cơ sở là các hợp chất hữu cơ trong phân, nước tiểu… của khối phân ủ xảy ra quá trình lên men bởi các vi sinh vật, làm nhiệt độ của đống phân tăng cao nên có thể tiêu diệt được phần lớn vi khuẩn không có nha bào, virus, ấu trùng và trứng giun sán.

Tiêu độc dụng cụ

Có thể sử dụng nhiệt độ cao (đốt, hơ lửa, đun sôi) để tiêu độc dụng cụ. Với các trang trại chăn nuôi tập trung nên áp dụng những trang thiết bị cơ giới dùng để tiêu độc, vừa làm giảm nhẹ sức lao động của con người tiêu độc, vừa làm tăng hiệu quả tiêu độc.

> Tiêu độc chỉ có ý nghĩa thực sự khi cùng tiến hành các biện pháp phòng chống bệnh tổng hợp, vì tiêu diệt mầm bệnh ở ngoại cảnh vẫn không loại trừ được mầm bệnh; đồng thời, cần thực hiện tiêu độc thường xuyên (khi chưa có dịch) và khẩn trương, triệt để (khi có dịch).

Nguyễn Nhung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *