12/07/2018 | 02:33
(Người Chăn Nuôi) - Tiếp nối sự thành công của khóa học “Dinh dưỡng vật ...
Trong các báo cáo về ngành chăn nuôi hằng tháng, hằng năm, các con số được quan tâm, cũng như các mục tiêu đặt ra thường là số lượng tổng đàn trong chăn nuôi tăng bao nhiêu, tổng sản lượng trứng và thịt tăng bao nhiêu, nhưng theo các chuyên gia thị trường quốc tế thì điều Việt Nam cần quan tâm hơn nữa chính là việc xây dựng các nhà máy chế biến, xây dựng các trung tâm giết mổ hiện đại để đảm bảo vệ sinh an toàn, tiêu thụ nội địa và tiến đến xuất khẩu sản phẩm.
Chăn nuôi Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu Ảnh: ST
Mục tiêu của Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ là xuất khẩu mạnh các sản phẩm chăn nuôi. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở, vì Việt Nam là cường quốc chăn nuôi heo và gia cầm. Ngoài ra, các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, có điều kiện địa lý xã hội tương đồng đã xuất khẩu sản phẩm gia súc gia cầm rất thành công.
Tuy vậy, một chuyên gia Thái Lan đã trao đổi với chúng tôi và cho rằng: “Việt Nam muốn phát triển xuất khẩu gia súc gia cầm thì trước hết nên học hệ thống giết mổ, chế biến của Thái Lan, nếu các bạn vẫn còn duy trì việc giết mổ ở chợ và các điểm giết mổ thủ công thì không thể xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi”.
Trong các cuộc hội thảo về xuất khẩu, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đều đánh giá việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi khó khăn hơn rất nhiều so với xuất khẩu gạo hay xuất khẩu thủy hải sản, do những quy định kiểm dịch thú y các nước đều vô cùng nghiêm ngặt. Đặc biệt với các sản phẩm chăn nuôi tươi sống chưa qua chế biến thì thủ tục xuất khẩu vào các nước cực kỳ nan giải.
Nhìn lại xuất khẩu gia súc, gia cầm của ngành chăn nuôi Thái Lan, đúng như sự chia sẻ của các chuyên gia Thái Lan, nước này chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, lấy công nghiệp chế biến làm bàn đạp cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Năm 2013, Thái Lan đã xuất khẩu sản phẩm thịt gà đạt trên 4 tỷ USD, cơ cấu ngành hàng của nước này, sản phẩm thịt gà đã qua chế biến chiếm trên 83%. Nhờ xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến mà ngành gà Thái Lan đã chiếm lĩnh được những thị trường khó tính nhất, như: châu Âu (47%), Nhật Bản (40%), Hàn Quốc, Nga, Canada...
Trong chục năm vừa qua, hầu hết các tỉnh thành trong toàn quốc đã có quy hoạch và bước đầu triển khai xây dựng các khu giết mổ tập trung, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, nhưng tất cả đang trong giai đoạn khởi đầu.
UBND TP Hà Nội đã triển khai Dự án “Xây dựng tổ hợp khép kín các nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm” tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tổng mức đầu tư dự kiến 1.050 tỷ đồng nhưng dự kiến đến tháng 9/2019 mới hoàn thành. Không chỉ giết mổ, nhà máy này còn sản xuất các sản phẩm xúc xích, thịt hun khói, giăm bông, thịt đóng hộp, đóng túi hút chân không phục vụ thị trường TP Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong nước và hướng xuất khẩu.
Theo quy hoạch, đến cuối năm 2017, TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vào hoạt động 9 nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm, tổng công suất thiết kế khoảng 1.500 con heo/ngày; 250.000 - 300.000 con gia cầm/ngày và 500 con bò/ngày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết hầu hết các nhà máy chỉ mới triển khai được một phần vì vướng nhiều thủ tục đầu tư. Thậm chí nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp của HTX Tân Hiệp, dù chủ đầu tư đã “khởi động” từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng được.
Xu hướng phát triển của xã hội hiện đại là thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đã qua chế biến. Ngay cả tại thị trường nội địa, các sản phẩm qua chế biến cũng đang rất “hot” rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chỉ riêng mặt hàng xúc xích, theo thống kê, 5 năm trước đây cả nước chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất xúc xích thì đến nay có tới 50 doanh nghiệp tham gia thị trường này. Mức tăng trưởng của thị trường xúc xích là 20%/năm.
Hiện tại sản phẩm xúc xích đóng góp hơn 1/2 tổng lợi nhuận của Vissan với mức tăng trưởng đều từ 15 - 20%/năm. Vissan đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 đạt 4.600 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với kết quả năm 2017. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 179 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm trước.
Viet Foods cũng có năm đạt tăng trưởng đến 90%. Nipponham thì đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bán hàng ở nước ngoài lên 15%. Ngày nay, hầu hết trong tủ lạnh mỗi gia đình đều không thể thiếu xúc xích, thịt hộp… điều đó cho thấy tiềm năng của ngành sản xuất sản phẩm chăn nuôi.
Hiện nay, phần lớn các nhà máy sản xuất sản phẩm chăn nuôi đều được định hướng đầu tư để xuất khẩu. Các doanh nghiệp đều nhìn thấy tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chế biến và từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng tương ứng. Điển hình như C.P. Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc chuỗi khép kín (Feed - Farm - Food) với 3 nhà máy chế biến thực phẩm thuộc thế hệ mới được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu với công nghệ cao và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước EU.
Thống kê của giới tài chính cho thấy, chỉ tính riêng 25 dự án lớn của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian gần đây đã thu hút được hơn 27.000 tỷ đồng đầu tư, dự kiến sẽ làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp.
Các dự án đầu tư vào chế biến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi hiện đại mới được xây dựng, đa số sẽ cho ra sản phẩm trong năm 2019 và 2020, bởi vậy giới chuyên môn dự kiến nếu phát triển và quảng bá thương hiệu tốt, từ năm 2020 trở đi, sản phẩm chăn nuôi qua chế biến của Việt Nam sẽ chinh phục thị trường nội địa và có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào các thị trường châu Á và thế giới.
Sự chậm trễ trong công nghiệp giết mổ và chế biến đã khiến cho ngành chăn nuôi Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu khi rất nhiều đối tác đến từ châu Á và châu Âu đã không thể ký kết các hợp đồng xuất khẩu gà và heo do hệ thống giết mổ, chế biến tại Việt Nam chưa đạt yêu cầu. |
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam bộ Giải quyết thủ tục hành chính thông thoáng hơn
Sản phẩm chăn nuôi truyền thống không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào chế biến. Điển hình như ở TP Hồ Chí Minh, Công ty Koyo của Nhật Bản xây dựng nhà máy chế biến để xuất khẩu về Nhật Bản, nhưng hiện Công ty không đủ nguyên liệu sạch thực hiện quy trình này. Khi xin phép xây dựng, chính quyền không có cơ chế cho phép thông thoáng, Công ty phải làm theo trình tự, thời gian lên đến hàng năm mà chưa biết kết quả thế nào?. |