Quy trình nuôi dê sinh sản

(Người Chăn Nuôi) – Nuôi dê sinh sản được đánh giá là mô hình cho lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, để đi tới thành công với mô hình này cần chú trọng thực hiện các khâu kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dê bố mẹ và dê con sau sinh.

Chọn dê bố mẹ

Dê trước khi cái sữa, tiến hành chọn những con dê đực, dê cái tốt nhất trong đàn, có ngoại hình đẹp, cân đối, mang những điểm đặc trưng của giống, sinh trưởng tốt và có cơ quan sinh dục phát triển bình thường để nuôi hậu bị.

Thời gian nuôi hậu bị khoảng 4 – 5 tháng, đối với dê cái và 8 – 9 tháng đối với dê đực (tính từ sau khi cai sữa).

quy trình nuôi dê sinh sản - chăn nuôi

Đảm bảo khâu chăm sóc, nuôi dưỡng để dê sinh sản tốt  – Nguồn: wikimedia

Chăm sóc, nuôi dưỡng dê cái mang thai

Sau 18 – 25 ngày sau khi dê cái phối giống, cần theo dõi để phát hiện động đực. Cần ghi chép ngày phối giống để dự báo ngày dê đẻ. Thời gian mang thai của dê khoảng 145 – 157 ngày. Trong thời gian này, cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho dê, đặc biệt là 2 tháng chửa cuối, để bảo đảm cho bào thai phát triển tốt và dê có nhiều sữa sau khi sinh. Trong 3 tháng chửa đầu tiên cho dê ăn 3 – 5 kg thức ăn thô/con/ngày; 0,3 – 0,5 kg ăn tinh/ con/ngày. Hai tháng chửa cuối  mỗi ngày cho dê ăn 4 – 5 kg thức ăn thô/con và 0,4 – 0,6 kg thức ăn tinh/con/ngày. Nếu nuôi theo phương thức bán chăn thả thì tùy theo tình hình và năng suất bãi chăn mà cân đối lượng thức ăn bổ sung.

Chú ý: Không nhốt chung dê cái có chửa với dê đực giống. Không chăn thả dê chửa quá xa, không dồn đuổi, đánh đập dê, đặc biệt là vào thời gian chửa cuối.

Cho dê đẻ

Trước khi dê đẻ 7 – 10 ngày, nhốt riêng từng con vào chuồng ấm, yên tĩnh và đã được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Giảm bớt thức ăn tinh ở những dê cái có năng suốt sữa cao để tránh viêm vú, sốt sữa.

Khi dê cái có biểu hiện khó chịu, đái dắt, bụng sa, bầu vú căng và âm hộ sưng đỏ, có dịch đặc chảy thành dòng là dê sắp đẻ. Dê bắt đầu đẻ khi bọc nước ối vỡ, thai được đẩy ra theo nhịp của dê mẹ và thông thường dê cái đẻ trong vòng 1 – 4 giờ, tùy theo số lượng thai và vị trí của thai.

Trong khoảng 4 giờ sau khi đẻ hết con, nhau thai ra, cần thu dọn nhau thai, không để cho dê mẹ ăn. Nếu quá 4 giờ mà nhau thai chưa ra thì cần can thiệp của bác sỹ thú y.

Dọn vệ sinh ổ đẻ. Lau sạch bầu vú, âm hộ dê mẹ. Nếu dê mẹ bị cương sưng nầm vú thì chườm nước nóng và vắt bớt sữa. Ngay sau khi đẻ, cho dê mẹ uống nước muối ấm 0,5% hoặc nước đường 5 – 10%. Sau khi đẻ, dùng khăn sạch, khô, mềm lau toàn bộ cơ thể dê con. Sau đó, tay trái cầm cuống rốn, kẹp rốn giữa ngón cái và ngón trỏ của tay phải đồng thời vuốt nhẹ theo hướng ra ngoài, dùng dây chỉ chắc thắt chặt cuống rốn cách bụng khoảng 4 – 5 cm, sau đó dùng kéo cắt cuống rốn phía ra ngoài cách nút chỉ 1,0 – 1,5 cm và sát trùng vết cắt bằng cồn I ốt 5% hoặc ôxy già.

Chăm sóc dê từ sơ sinh đến cai sữa

Giai đoạn bú sữa đầu:

Sau khi đẻ 20 – 30 phút cho dê con bú sữa đầu không được để chậm hơn. Có thể cho bú trực tiếp hoặc bú bằng bình, mỗi ngày 3 – 4 lần. Giai đoạn bú sữa đầu thường là 7 ngày từ khi sinh.

Bố trí lót ổ bằng rơm rạ mềm, khô cho dê con nằm. Nếu trời lạnh cần sửa ấm cho dê con. Nếu dê con yếu, cần vắt sữa ra bình cho dê bú. Nếu dê mẹ không cho con bú, phải ép cho bú bằng cách giữ chặt dê mẹ, vắt bỏ những tia sữa đầu rồi vắt sữa vào miệng dê con.

Giai đoạn bú sữa thường:

Giai đoạn này có thể kéo dài 3 tháng, hoặc hơn, tùy theo hướng sản xuất. Nếu nuôi dê để khai thác sữa, nên cai sữa lúc 3 tháng tuổi. Ở những dê mẹ năng suất sữa thấp và nuôi lấy thịt, có thể cho dê con bú đến tháng thứ 4 hoặc thứ 5.

Có thể cho dê con bú trực tiếp, bú bình hoặc vắt sữa ra chậu cho dê con ăn, mỗi ngày 2 – 3 lần. Sữa vắt ra cho ăn ngay. Dụng cụ chứa sữa (bình, chậu) phải sạch sẽ. Từ tuần tuổi thứ 3, tập cho dê con ăn các loại thức ăn dễ tiêu, chất lượng tốt: cỏ non phơi tái, cỏ khô sạch, bột cám, bột ngô, bột đậu tương rang…

Giai đoạn 10 – 45 ngày:

Đây là giai đoạn vắt sữa dê mẹ (2 lần/ngày, lúc sáng và chiều tối đối với dê mẹ có năng suất sữa trên 1 lít/ngày). Sau khi vắt sữa xong cho dê con bú phần sữa còn lại trong bầu vú của dê mẹ. Nếu thấy dê con bú chưa no thì cho bú thêm khoảng 300 – 350 ml sữa (bằng bình, 2 – 3 lần/ngày). Nếu cho dê ăn hoàn toàn bằng bình, mỗi ngày cho dê con bú khoảng 450 – 600 ml sữa. Ngoài ra, cho dê ăn thêm các loại thức ăn dễ tiêu như các loại cỏ lá non sạch, chuối chín, bột bắp, bột đậu nành rang… Lượng thức ăn tăng dần, từ 28 – 45 ngày tuổi cho ăn khoảng 30 – 35 g thức ăn tinh; từ 46 – 90 ngày tuổi cho ăn 50 – 100 g thức ăn tinh.

Giai đoạn 46 – 90 ngày:

 Cho dê con bú 2 lần/ngày và lượng sữa cho bú giảm xuống 400 ml. Cùng đó, cho dê con ăn dặm thêm thức ăn dinh dưỡng. Thả dê con đi lại tự do trong sân chơi hoặc chăn thả nơi gần chuồng để tập cho dê vận động.

> Trong quá trình nuôi dưỡng dê con, thấy dê con gầy yếu, suy dinh dưỡng, cần cho ăn bổ sung dinh dưỡng như vitamin và premix khoáng. Nếu quá gầy yếu, có thể loại bỏ ngay để tránh lãng phí tiền của và công nuôi mà không đạt kết quả tốt.

Nguyễn Nhung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *