Phòng, trị bệnh sổ mũi truyền nhiễm trên gà

(Người Chăn Nuôi) – Sổ mũi truyền nhiễm (Coryza) là một bệnh hô hấp cấp tính, xảy ra ở gà mọi lứa tuổi với triệu chứng đặc trưng: chảy nước mũi, hen khò khè, mặt phù thũng, sưng đầu và hốc mắt, viêm kết mạc.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do vi khuẩn Haemophilus paragallinarum gây ra dưới sự thúc đẩy các yếu tố stress có hại như CO2, NH3, H2S, độ ẩm cao… Đây là một vi khuẩn hiếu khí, Gram (-). Vi khuẩn khi nuôi cấy trong môi trường thạch máu sau 24 giờ cho ra những khuẩn lạc nhỏ tách rời như hạt sương. Chúng có thể tồn tại 2 – 3 ngày ngoài môi trường, nhưng dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt, các chất khử trùng thông thường. Bệnh thường hay bội nhiễm bởi vi khuẩn E. coli, hen gà, viêm phế quản và thiếu Vitamin A và các bệnh khác.


Gà bị bệnh gây thiệt hại lớn cho người nuôi

Đặc điểm dịch tễ

Đối tượng mắc bệnh: Gà, gà Tây, chim câu, cút, vịt, ngan… đều mắc bệnh, tuy nhiên bệnh nặng nhất ở gà và các loại cùng nòi gà.
Tuổi mắc bệnh: Tất cả các lứa tuổi đều dễ mắc bệnh, đặc biệt thường thấy nhất ở gà con từ 4 tuần tuổi trở lên.
Mùa phát bệnh: Việt Nam là một nước nhiệt đới thích hợp cho bệnh sổ mũi truyền nhiễm phát triển nên bệnh xảy ra quanh năm gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Tỷ lệ gà mắc bệnh cao khoảng 40 – 70%, tuy nhiên tỷ lệ chết thấp chỉ khoảng 5 – 10%. Mặc dù vậy, khi có sự kết hợp các tác nhân gây bệnh khác như đậu gà, tụ huyết trùng bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn và tỷ lệ chết có thể lên tới 35 – 40%.

Đường lây lan

Bệnh có thể lây lan rất nhanh qua không khí, qua những chất thải của gà bệnh hay gà bài trùng; hoặc qua tiếp xúc với những phương tiện cơ giới và vật dụng chăn nuôi. Lây nhiễm từ những đàn gà bệnh sang đàn gà khỏe (do nhập đàn mới về hoặc di chuyển đàn tới nơi khác đã có mầm bệnh từ trước). Lây qua thức ăn nước uống (những gà bệnh chảy dịch viêm từ mũi vào thức ăn, nước uống, từ đó nguồn bệnh sẽ lây sang những con khác).

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh ngắn 1 – 2 ngày, nhưng diễn biến trong thời gian dài nếu không được điều trị đúng, kịp thời. Gà bệnh có biểu hiện giảm ăn, ủ rũ. Sản lượng trứng giảm. Sưng đầu và sưng mặt (phù đầu hay phù mặt). Gà bị nặng, xoang mặt viêm, trong có chứa các dịch hoại tử như bã đậu, mùi thối. Dịch viêm chảy ra từ mũi lúc đầu trong, sau trắng đục. Nếu để lâu dịch đặc lại thành cục phình to 2 bên mũi. Vì vậy nên gà mắc bệnh thường khó thở, hen khò khè và khi thở phải mở miệng. Đây là dấu hiệu đặc biệt điển hình của bệnh. Mắt bị viêm kết mạc nên dính hai mí lại không mở ra được chỉ mở được một phần nhỏ. Do đó gà không ăn uống được và chết. Tỷ lệ chết tăng nhanh chóng do nhiễm trùng kế phát.

Bệnh tích

Khi mổ thấy bệnh tích tập trung chủ yếu ở vùng đầu. Đầu phù nề, mắt bị viêm, bị mù, viêm thối xoang trán, xoang má và xoang mũi, họng, khi mổ khám các cơ quan này ta thấy chúng có mùi khó chịu, niêm mạc dầy, trong các xoang chứa nhày mủ. Ổ viêm xoang mũi đôi khi có cục viêm bã đậu. Các tổ chức dưới da, đặc biệt vùng đầu bị phù thũng. Mặt sưng, tích sưng, viêm kết mạc mắt, phổi xung huyết, viêm phổi, viêm túi khí.
Bệnh sổ mũi ở gà cần được phân biệt với các bệnh sau: bệnh tụ huyết trùng mãn tính, đậu gà (có những hạt đậu dưới da ở vùng mặt), thiếu Vitamin A (niêm mạc mắt, ruột, da và lông khô, sần sùi), viêm thanh khí quản truyền nhiễm, viêm hô hấp mãn tính (viêm phổi và viêm túi khí).

Phòng và trị bệnh

Kiểm soát bằng vaccine
Bệnh sổ mũi truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra, vì vậy có thể sử dụng vaccine để phòng bệnh hiệu quả. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi và mạng lại hiệu quả cao. Vaccine phòng bệnh Coryza cần được chủng ngừa trước 4 tuần khi vi khuẩn tấn công vào cơ thể gà. Lịch tiêm được khuyến cáo nên chủng ngừa lần một vào tuần 6 hoặc tuần 4 (khu vực có áp lực dịch cao) để bảo vệ đàn gà thịt cũng như gà đẻ giai đoạn hậu bị, chủng ngừa lại lần 2 được khuyến cáo sử dụng trước khi gà lên đẻ.
Ở nước ta hiện nay, các chủng được sử dụng để làm vaccine gồm có chủng A, B và chủng C, tuy nhiên B được bảo hộ chéo bởi 2 chủng A và C nên việc đưa vaccine chủng B ra thị trường không mang lại hiệu quả. Vì vậy, sử dụng vaccine chủng A và C của các công ty sản xuất có uy tín để bảo vệ đàn gà.
Thực hiện an toàn sinh học chuồng nuôi
Chuồng trại không chật quá, thoáng mát, đóng mở kéo rèm che chuồng kịp thời tránh thời tiết thay đổi đột ngột và gió lùa. Chuồng trại, các dụng cụ chăn nuôi định kỳ phải được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, chất độn chuồng phải luôn được thay mới, thường xuyên phun thuốc sát trùng tiêu diệt vi khuẩn ẩn náu.
Thực hiện chế độ nuôi dưỡng tốt, quản lý thức ăn sạch, an toàn. Nước uống sạch và thường xuyên vệ sinh máng nước, đường truyền dẫn nước uống cho gà, tránh trường hợp phân đóng tụ.
Áp dụng phương pháp quản lý cùng vào cùng ra.
Tránh cho gà bệnh tiếp xúc với gà khỏe.
Dùng kháng sinh có phổ khuẩn rộng trộn thức ăn tăng đề kháng cho gà, kết hợp với vitamin và khoáng chất hòa vào nước uống định kỳ, nhất là trong những giai đoạn gà bị stress hay thời tiết thay đổi để ngăn chặn hoặc tiêu diệt mầm bệnh.
Do vi khuẩn có thể tồn tại được trong môi trường 2 – 3 ngày nên việc để trống chuồng sau mỗi lứa nuôi sẽ là phương pháp tốt nhất để loại bỏ mầm bệnh ra khỏi trại.
Trong công tác phòng bệnh, cần đặc biệt lưu ý rằng khi khỏi bệnh tuy cơ thể con vật có tạo được miễn dịch nhưng chúng lại mang trùng, nên dễ gây bệnh cho những đàn nuôi sau. Vì vậy nếu không áp dụng quy trình cùng vào cùng ra thì ít nhất khi nhập đàn gà mới về cần lưu ý không nuôi chung với đàn cũ.

Điều trị bệnh

Khi phát hiện dịch bệnh, cần cách ly những con gà có dấu hiệu mắc bệnh để tránh lây lan cho đàn gà khỏe.
Thực hiện phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh bên ngoài môi trường, định kỳ 3 ngày một lần.
Vi khuẩn Haemophilus gallinarum nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh, ví dụ như Ampicillin, Stretomycin, Neomycin, Spiramycin, Tylosin… Người nuôi có thể chọn sản phẩm pha thức ăn hoặc hòa nước uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời gian điều trị tốt nhất nên kéo dài ít nhất 5 -7 ngày. Sau khi ngừng dùng kháng sinh, cần sử dụng chế phẩm probiotic thêm 7 ngày để đàn gà nhanh chóng phục hồi hệ vi sinh đường ruột và sức khoẻ nói chung.

Nguyễn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *