Nâng cao năng lực quản lý chuỗi thịt heo

(Người Chăn Nuôi) – Ngày 23/10/2018, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi cùng đại diện Chính phủ Hà Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị “Tổng kết dự án về chuỗi thịt heo Việt Nam theo định hướng quốc tế (VIP) và chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo Việt Nam”.

Dự án VIP do Đại Sứ quán Hà Lan và Cục Chăn nuôi xây dựng và triển khai thực hiện từ năm 2014 – 2018 với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, trên địa bàn TP. Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Sau 4 năm triển khai, dự án đã có 1.302 người tham gia.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo TS Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi, kết quả dự án cho thấy, chuỗi thịt heo Việt Nam đang tồn tại nhiều tác nhân tham gia với hình thức tổ chức sản xuất khác nhau, quy mô biến động và công nghệ đa dạng. Hiện, các trang trại chăn nuôi heo ở nước ta chủ yếu là tự sản xuất con giống dẫn đến chất lượng con giống thấp. Bên cạnh đó, các trang trại do không nằm trong chuỗi nên công tác kiểm soát chất cấm, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ khá bấp bênh, sản phẩm sản xuất ra có giá thành thấp, dẫn đến nhiều rủi ro trong hoạt động chăn nuôi. Các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung chưa thực sự cho hiệu quả cao do không hoạt động hết công suất (chỉ đạt khoảng dưới 50%). An toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề chưa được các thành phần trong chuỗi quan tâm đúng mức… Nguyên nhân dẫn đến các tình trạng trên là do các địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý các cơ sở giết mổ vi phạm. Cùng với đó là nhận thức, thói quen cũng như tập quán sản xuất của người nuôi vẫn còn lạc hâu.

Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng thảo luận, đóng góp khuyến nghị cải tiến mô hình chuỗi thịt heo tại Việt Nam để nâng cao hiệu quả an toàn thực phẩm. Trong đó, trọng tâm là củng cố quản lý trang trại và chuỗi từ vai trò của đơn vị tư nhân tới chính sách hỗ trợ. Xây dựng chuỗi thịt heo qua góc nhìn về năng lực sản xuất, kiểm soát an toàn thực phẩm và liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng chia sẻ các mô hình chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi heo; Nâng cấp chuỗi giá trị heo trắng có sự tham gia của người sản xuất quy mô nhỏ và nhạy cảm giới, đồng thời chia sẻ các kết quả tham quan học tập các mô hình chăn nuôi tại Hà Lan và Đài Loan.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Ron Dwinger, Điều phối viên Dự án VIP cho rằng, để đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo, đối với các trang trại chăn nuôi heo cần áp dụng phương pháp an toàn sinh học, cải thiện vệ sinh trang trại, sử dụng kháng sinh hợp lý và tiến tới không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Đối với cơ sở giết mổ, cần áp dụng chính thức theo hệ thống quốc gia các cơ sở giết mổ, tiến hành kiểm tra những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tất cả heo đưa đến cơ sở giết mổ phải được đăng ký và có nguồn gốc…

>> Dự án VIP có tổng kinh phí xấp xỉ 1,4 triệu USD, trong đó phía Việt Nam quản lý kinh phí 565.000 USD và phía Hà Lan quản lý gần 829.000 USD. Hoạt động hỗ trợ của Dự án tập trung vào điều tra thực trạng về chuỗi thịt heo từ chăn nuôi đến giết mổ, phân phối tại Việt Nam; Tập huấn kỹ thuật và tổ chức các đoàn tham quan học tập tại nước ngoài; Tư vấn kỹ thuật trực tiếp cho các trang trại; Hỗ trợ phân tích mẫu kiểm soát an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu.

Kim Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *