Làm giàu nhờ nuôi bồ câu Pháp

(Người Chăn Nuôi) – Nuôi chim bồ câu Pháp đơn giản, vốn đầu tư ít, nhu cầu thị trường lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Đặc điểm chim bồ câu

Chim bồ câu Pháp có xuất xứ tại vùng Đông Nam nước Pháp và Đông Nam nước Bỉ. Loại chim này được lai tạo và chọn giống qua nhiều năm để hình thành nên giống bồ câu thịt, có kích thước lớn nhất để sử dụng vào mục đích chăn nuôi lấy thịt. Nếu áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nuôi, giống bồ câu Pháp lớn nhanh hơn so với bồ câu bản địa.

Có hai giống bồ câu Pháp. Dòng Mimas, chim có bộ lông đồng nhất màu trắng, khả năng sản xuất đạt 16 – 17 chim non của mỗi cặp 1 năm, khối lượng chim non lúc 28 ngày tuổi đạt 590g. Dòng Titan, có bộ lông phong phú đa dạng hơn với nhiều màu như trắng, đốm, xám, nâu; khả năng sản xuất đạt 12 – 13 chim non đối với mỗi cặp 1 năm, khối lượng chim non lúc 28 ngày tuổi đạt 700g. Con trống to hơn con mái, đầu thô, có phản xạ gù mái lúc thành thục, khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp Những con chim mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng. Chỉ sau khoảng 4 tháng nuôi, chim đến tuổi sinh sản, trọng lượng bình quân mỗi con từ  650g đến 800g. Bồ câu Pháp có đặc điểm sinh trưởng nhanh và tuổi sinh sản kéo dài 4 – 5 năm, mỗi năm đẻ 8 – 10 lứa, bồ câu cái Pháp đẻ liên tục trong năm, vừa ấp nở vừa đẻ trứng, một cặp bồ câu có thể sinh sản trong 5 năm, nhưng sau 3 năm đẻ, khả năng sinh sản giảm.

 

Sau khi được ấp 16 -18 ngày, trứng sẽ nở thành chim non

Bồ câu mái sau 4 – 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau khi ấp 16 – 18 ngày sẽ nở. Chim con sẽ được giao cho chim trống nuôi dưỡng. Chim mái nghỉ dưỡng sau 7 – 10 ngày thì đẻ lứa tiếp theo và diễn tiến như vậy.

Triển vọng lớn

Giống chim bồ câu Pháp nhập vào nước ta năm 1996. Năm 1998, 2 dòng chim Mimas và Titan tiếp tục được nhập đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Bên cạnh những đặc điểm ưu việt như cho năng suất cao, chất lượng thịt không thua kém chim nội, bồ câu Pháp còn có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94 – 99%.

Để chim lớn nhanh, khỏe mạnh, không bị bệnh thì mật độ nuôi phải đảm bảo 6 – 8 con/m2 và thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nuôi bồ câu Pháp không cần mặt bằng rộng, cần chú ý vệ sinh chuồng trại tốt và tránh những tác nhân xấu từ môi trường thì bồ câu sẽ không bị bệnh tật và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hồi vốn nhanh.

Bồ câu Pháp dễ nuôi, cho hiệu quả cao

Bồ câu Pháp ít dịch bệnh, một tuần vệ sinh chuồng trại một lần, nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản, một cặp chim bồ câu có thể đẻ tới 7 – 8 lứa một năm, mỗi lứa 2 trứng một ổ. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày và đến khi có thể bán tổng cộng là 45 ngày. So với bồ câu sẻ thì nuôi bồ câu Pháp có nhiều lợi thế hơn. Cùng một chế độ ăn, chăm sóc, thời gian để xuất bán nhưng bồ câu Pháp đạt trọng lượng nặng hơn.

Mô hình nuôi bồ câu Pháp đang phát huy hiệu quả và được nhiều địa phương nhân rộng. Điển hình anh Ngô Tùng Sơn ở thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát (Phù Mỹ, Bình Định). Anh Sơn cho biết, hiện gia đình anh có 2 dãy chuồng với 300 cặp bồ câu Pháp. Thường xuyên mỗi tháng anh xuất bán khoảng 60% tổng đàn, sau đó tiếp tục gây đàn. Bồ câu thịt hiện có giá từ 90.000 – 110.000 đồng/cặp, bồ câu giống có giá khoảng 200.000 đồng/cặp 2 tháng tuổi. Hàng tháng, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi ròng trên 12 triệu đồng. Từ năm 2010 đến nay, năm nào gia đình anh Sơn cũng thu về trên 100 triệu từ mô hình này. Theo anh Sơn, giống bồ câu Pháp không khó nuôi, nhưng người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến sự thoáng đãng của chuồng trại. Chuồng chim phải đầy đủ ánh sáng và luôn được vệ sinh sạch sẽ. Do đặc tính sinh trưởng, bồ câu Pháp phải được cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Đây là giống phàm ăn nên cho ăn phải đầy đủ với các loại nông sản như lúa, gạo, bắp nghiền…

Tương tự, mô hình nuôi bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh ở thôn 6, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đang được nhiều người ở địa phương học hỏi. Nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đàn chim của gia đình bà đã tăng nhanh, đến nay, số lượng đã lên đến 1.000 cặp (1.000 chim trống và 1.000 chim mái). Hiện tại, mỗi ngày gia đình bà xuất bán khoảng 10 cặp chim thịt cho các quán ăn, nhà hàng, với giá 90.000 đồng/cặp. Như vậy, trung bình mỗi tháng xuất trên 300 cặp. Ngoài ra, với giá bán chim giống khoảng 150.000 đồng/cặp cũng đem lại cho bà một khoản thu khá cao.

>> Dựa vào hiệu quả kinh tế có thể chia chim bồ câu thành 3 loại:

Siêu kiểng

Đây là những giống bồ câu đẹp, dùng để làm kiểng (cảnh) như bồ câu Nhật, Mỹ, bồ câu cánh cụt… Các giống này rất đắt tiền không dùng cho mục đích kinh tế.

Siêu thịt

Giống bồ câu lớn con, giá tri kinh tế cao (bồ câu gà), tuy nhiên giống bồ câu này sinh sản kém (lâu đẻ, ấp trứng kém hay bị ung, vỡ…) cho nên rất khó nhân bầy đàn quy mô lớn, con giống lại rất đắt tiền, tiêu tốn nhiều thức ăn… Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm cao, không đem lại lợi nhuận cho người nuôi.

Siêu sinh sản

Giống bồ câu này cho sinh sản nhanh, mau nhân đàn, vẫn có loại rất lớn con (như bồ câu Pháp), tuy nhỏ hơn bồ câu gà nhưng đặc biệt giống này sinh sản rất nhanh, giá thành chi phí mua con giống, thức ăn cũng thấp, cho nên hiệu quả kinh tế cao.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *